Sơn La là một tỉnh miền núi, thu nhập của người dân còn thấp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo đánh giá của ngành Bảo hiểm xã hội, Sơn La là địa bàn có sự phân bố dân cư rải rác, với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, dẫn đến những rào cản về ngôn ngữ, gây khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, thu nhập của người dân còn thấp là một trong những hạn chế của việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ở nhiều nơi, người dân qua công tác tuyên truyền, đã hiểu được tính ưu việt của chính sách này. Tuy nhiên, do làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định, người dân không đủ điều kiện kinh tế để tham gia bảo hiểm xã hội, có những trường hợp đã tham gia nhưng việc đóng tiền thường bị ngắt quãng hoặc dừng hẳn.
Đánh giá về những khó khăn trong việc tuyên truyền thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ông Nguyễn Thế Quân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay công tác tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức, nhưng chưa thường xuyên, sâu rộng. Vì thế, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện với bảo hiểm thương mại khác.
Ngoài ra, thời gian tham gia tối thiểu 20 năm cũng là một nguyên nhân khó thuyết phục người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bên cạnh đó, hệ thống nhân viên đại lý đã được đào tạo cơ bản, song đa phần là kiêm nhiệm và chưa thực sự nắm chắc những chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trước những khó khăn đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La xác định, để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, việc đầu tiên là phải đổi mới phương pháp tiếp cận người dân. Cùng với đó là thay đổi hình thức, cách thức tuyên truyền chính sách, lợi ích của bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đồng thời, ngành Bảo hiểm đã phối hợp với ngành Bưu điện tổ chức các hội nghị tuyên truyền về bảo hiểm xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Sơn La cho biết, để tổ chức tốt việc tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tới tận tổ, bản, tiểu khu, đơn vị đã phối hợp với các xã tập hợp, vận động người dân đến tham dự. Ngành lựa chọn cán bộ có kỹ năng thuyết trình và nắm chắc chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để tuyên truyền cho người dân dễ hiểu. Các đơn vị chuẩn bị sẵn tờ khai theo mẫu để người dân điền thông tin và có cán bộ trực tiếp hướng dẫn để tránh sai sót; hoàn thiện hồ sơ, in cấp sổ bảo hiểm xã hội cho các đối tượng tham gia sau 1 tuần và tổ chức trả sổ ngay cho người tham gia.
Ông Tống Văn Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội huyện Yên Châu chia sẻ, đơn vị đã chọn những xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ người dân trong độ tuổi lao động cao, sau đó phân công mỗi cán bộ phụ trách một bản, lựa chọn các hộ gia đình có thu nhập ổn định để tuyên truyền, vận động trước và các đồng chí lãnh đạo là người trực tiếp giải đáp các thắc mắc của người dân.
Nhờ những thay đổi thiết thực trong cách tuyên truyền, lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tại tỉnh Sơn La đã tăng lên rõ rệt. Đến nay, Sơn La có gần 5.400 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 0,77% lực lượng lao động. Số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tăng gần 3.000 người so với 9 tháng đầu năm 2018. Trong đó, gần 1.000 người mới tham gia 4 tháng đầu năm 2019. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tập trung chủ yếu tại các địa phương có mức thu nhập ổn định và những vùng thành thị đời sống kinh tế phát triển như thành phố Sơn La và các huyện Mộc Châu, Mai Sơn.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La Nguyễn Thế Quân thông tin thêm, năm 2019, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La đặt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là 4.300 người, nâng tổng số lên 9.700 người tham gia loại hình này, tương ứng khoảng 1,4% lực lượng lao động của tỉnh.
Trong thời gian tới, ngành Bảo hiểm tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tới người dân thông qua các hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại các tổ bản, tiểu khu. Đồng thời, ngành đổi mới phương thức phục vụ người dân trong kê khai đăng ký tham gia và thụ hưởng chính sách; nâng cao năng lực cán bộ trong công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.