Sớm ổn định cuộc sống đồng bào tái định cư

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc di dân để xây dựng công trình thủy điện Bản Chát, năm 2011, có 40 hộ dân ở các bản trong xã Mường Cang đã di chuyển đến Nà Lấu, lập nên bản tái định cư Nà Lấu (xã Mường Cang, huyện Than Uyên, Lai Châu).

Khi đến nơi ở mới, người dân cũng đã chấp nhận khó khăn vì việc đầu tư cơ sở vật chất ở khu tái định cư không thể xong trong "một sớm một chiều", nhưng đã gần 3 năm đã trôi qua, những khó khăn vẫn chưa được khắc phục.

Để có điện sử dụng, đồng bào đã tự kéo điện ở một số bản xung quanh về. Những “cây cột điện” của người dân dựng lên chỉ là những thanh gỗ, đoạn tre không chắc chắn, mất an toàn. Tại Nà Lấu, có đến hàng chục “cây” điện như thế. Đây thực sự là những hiểm họa đe dọa tính mạng.

Đồng bào ở Nà Lấu tự kéo điện từ bản khác về sử dụng.


Tuy nhiên, cũng có hơn một nửa số hộ dân ở Nà Lấu đã kéo được điện, vì có điều kiện kinh tế. Số hộ còn lại vẫn phải đốt lửa, thắp đèn dầu vào ban đêm. Là một trong những hộ đã được kéo nhờ điện, anh Tòng Văn Hai cho biết: “Điện của nhà tôi kéo nhờ từ bản Nà Pả bên cạnh. Lúc trời nóng muốn bật quạt cũng không được vì điện yếu, bật tivi lên xem cũng không được. Hàng tháng, gia đình tôi vẫn phải mất hơn 100.000 đồng để trả cho người "bán" điện. Tôi mong Nhà nước sớm kéo đường điện về cho người dân”.

Ở Nà Lấu, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Khi chuyển đến nơi ở mới, các hộ dân tái định cư đều được hỗ trợ kinh phí mua đất sản xuất, tuy nhiên, mức tiền đền bù quá thấp, chỉ đủ mua vài trăm mét vuông đất sản xuất. Với diện tích như vậy, hầu hết các hộ đều thiếu đất sản xuất so với nhu cầu. Lương thực sản xuất ra cũng chỉ đủ dùng, chứ không thể tích lũy.

Theo các hộ dân ở bản, đường giao thông đi lại khó khăn và thiếu nước sinh hoạt, người dân có thể khắc phục được. Nhưng thiếu điện và đất sản xuất thì bà con "lực bất tòng tâm".

Con đường vào bản trời nắng thì bụi bặm, trời mưa thì lầy lội.


Ông Bùi Văn Chính, Trưởng ban Quản lý Dự án di dân tái định cư thủy điện Huội Quảng- Bản Chát, cho biết, Ban quản lý dự án vừa được tiếp nhận nguồn vốn và khi nguồn vốn được phân bổ, chắc chắn việc thi công những công trình như nhà văn hóa, trường học, sẽ được giải quyết dứt điểm.

Theo đại diện ban Quản lý Dự án di dân tái định cư thủy điện Huội Quảng - Bản Chát: Hiện có rất nhiều công trình tái định cư phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư, do đó các dự án thành phần kéo theo đều bị chậm tiến độ. Đoạn đường dài gần 2 km nối từ đường quốc lộ 32 vào bản Nà Lấu không chỉ phục vụ riêng bản Nà Lấu mà còn là đoạn đường dân sinh phục vụ nhiều bản ở khu vực xung quanh. Đoạn đường này được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn hai vừa được điều chỉnh mức đầu tư và đang được thi công, hoàn thiện. Còn về vấn đề điện lưới, điện lực Lai Châu đang chở cột điện vào, sẽ sớm có điện về trong thời gian tới.

“Ở huyện Than Uyên, vẫn còn một số công trình dân sinh như: Trường học, nhà văn hóa, đường giao thông chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Hiện vốn đã có, ban quản lý đang đốc thúc các nhà thầu thi công đồng loạt các công trình ở tất cả các bản tái định cư để sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào”, Trưởng ban Quản lý Dự án di dân tái định cư thủy điện Huội Quảng - Bản Chát, khẳng định.

Bài và ảnh: Quang Duy


Bản tái định cư không điện, thiếu nước
Bản tái định cư không điện, thiếu nước

Dù đã đến nơi ở mới được gần 3 năm, nhưng 40 hộ đồng bào dân tộc Thái ở bản tái định cư Nà Lấu, Lai Châu vẫn phải sống trong tình trạng không điện, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, việc đi lại vất vả, nhất là vào mùa mưa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN