Ngày 6/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã làm việc với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội về công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động vùng Tây Bắc. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, vùng Tây Bắc có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Toàn vùng có hơn 30 dân tộc anh em sinh sống, một số dân tộc có trình độ sản xuất thấp, chưa thoát khỏi cuộc sống du canh du cư. Hầu hết các tỉnh trong vùng có xuất phát điểm thấp, kinh tế chậm phát triển so với các vùng khác trong cả nước, chất lượng nguồn nhân lực thấp, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chưa đồng bộ với quy hoạch đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Cơ cấu lao động của vùng còn lạc hậu, lao động có việc làm vẫn tập trung phần lớn ở ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 70%).
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại vùng Tây Bắc (giảm trên 3% số hộ nghèo trong khu vực, gần gấp đôi so với bình quân chung cả nước). Công tác dạy nghề mở rộng, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, công tác phòng chống tệ nạn xã hội được quan tâm hơn, nhất là công tác cai nghiện, mô hình cai nghiện, quản lý hồ sơ người nghiện.
Nêu rõ những khó khăn, hạn chế trong việc dạy nghề, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo vùng Tây Bắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và các bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Tây Bắc tập trung giải quyết các vấn đề, trong đó trọng tâm nhất là xóa đói giảm nghèo. Đây là trách nhiệm của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cần phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành tập trung rà soát toàn diện các chính sách về giảm nghèo trên cơ sở hệ thống hóa các chính sách, tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong thiết kế chính sách. Từng bộ, ngành cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giảm nghèo, hỗ trợ các đối tượng nghèo, cận nghèo vươn lên, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Từng tỉnh, huyện, xã cần tập trung rà soát để tìm ra các nguyên nhân chủ quan, khách quan vì sao địa phương mình còn nghèo để đề xuất các giải pháp phù hợp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo Tây Bắc cần phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, các bộ ngành triển khai tốt Chỉ thị 19 - CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức thực hiện đồng bộ, đảm bảo tiến độ, mục tiêu Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát triển đa dạng các hình thức dạy nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của dân cư trong vùng, tránh dạy nghề theo phong trào, gắn dạy nghề với giải quyết việc làm; đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động. Các bộ, ngành tập trung xử lý các vấn đề bức xúc như mua bán người, xâm hại trẻ em, phòng chống ma túy, duy trì mô hình cai nghiện có hiệu quả, quan tâm giải quyết việc làm cho người sau cai; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong công tác xóa đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội.
Theo báo cáo của các địa phương, năm 2013, toàn vùng Tây Bắc đã tạo việc làm cho trên 160.000 lao động (bằng 102,7% kế hoạch, chiếm 10,4% tổng số tạo việc làm trong cả nước). Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề đã bổ sung vốn cho vay giải quyết việc làm cho các tỉnh trong vùng 10,12 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho trên 15.000 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp chung toàn vùng năm 2013 khoảng 2,09%. Tính đến cuối năm 2013, toàn vùng giảm còn 21,54% hộ nghèo (tương đương 454.471 hộ); tại 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm còn 37,5% hộ nghèo (tương đương 200.695 hộ)... |
Phúc Hằng