Quốc hội thông qua 4 luật

Chiều 19/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình và biểu quyết thông qua Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Phòng, chống thiên tai.


Với sự tán thành của 90,36% đại biểu có mặt, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh gồm 8 chương, 47 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/4/2014, quy định nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh: An Đăng – TTXVN


Theo quy định của luật, Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh, có chính sách ưu tiên đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa.


Luật nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiết lộ bí mật nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.


Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng được Quốc hội thông qua với 91,37% số đại biểu có mặt tán thành. Theo đó, mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại điều 5 của luật này khi xuất khẩu.


Luật cũng bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất 5% đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình có nhu cầu rất lớn về nhà ở. Vì vậy, việc áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội sẽ tạo điều kiện cho các tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và thấp được tiếp cận với nhà ở xã hội.


Với 91,57% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.


Quy định về thuế suất được sửa đổi, bổ sung như sau: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại điều 13 của luật này. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 1/1/2016. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.


Với 91,97% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống thiên tai gồm 6 chương, 47 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/5/2014, quy định về hoạt động phòng, chống thiên tai, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai.


Theo quy định của luật, Quỹ phòng, chống thiên tai được thành lập ở cấp tỉnh; hình thành từ nguồn đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài tại địa bàn; công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật và các nguồn hợp pháp khác. Quỹ được sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ các hoạt động: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học; xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai.


* Trước đó, sáng 19/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Việc làm.


Đa số các đại biểu thống nhất cơ bản về sự cần thiết ban hành Luật Việc làm nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng: “Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn”. Hiện nay, mới có khoảng 33% lao động làm công ăn lương, vẫn còn khoảng 67% lao động không có quan hệ lao động trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân.


Các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc chuyển quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội về dự án Luật Việc làm. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc mở rộng đối tượng áp dụng bảo hiểm thất nghiệp đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động như dự thảo luật quy định.


* Theo chương trình hôm nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Dự kiến, luật này được xem xét thông qua tại kỳ họp tới.


Theo Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIII, sau gần 7 năm thi hành Luật Đấu thầu, vẫn còn tình trạng thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện gói thầu… gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, Luật Đấu thầu đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế và bất cập như: Phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu hiện hành chưa bao quát hết các hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.


Vì vậy, theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) với vai trò quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước thuộc tất cả các lĩnh vực và các hình thức là cần thiết.


Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định về chỉ định thầu. Có ý kiến cho rằng, việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay…; những trường hợp còn lại thì thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành.


Liên quan tới tình trạng lãng phí vốn nhà nước trong đầu tư, đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho biết: Các chính sách đấu thầu đang thực hiện đã tiết kiệm được 84.000 tỷ đồng cho ngân sách và giá trị này tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí vẫn còn rất phổ biến. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu: Khi cá nhân, hộ gia đình đầu tư thì đem lại hiệu quả, nhưng vốn Nhà nước đầu tư lại kém hiệu quả, chất lượng công trình không đảm bảo. Còn đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) lại đề cập tới tình trạng lách luật, thay vì tổ chức đấu thầu thì chia nhỏ dự án để chỉ định thầu.


Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) còn quy định rõ việc phân cấp trong đấu thầu, nhất là đối với người có thẩm quyền, cùng với đó là nâng cao trách nhiệm giải trình. Ông Ninh Viết Định- Tổ trưởng Tổ chuyên gia rà soát Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay: Đây là một chủ trương rất đúng đắn và là xu hướng chung trong quản lý. Sự phân cấp mạnh được thể hiện rõ là có cơ chế kiểm tra, giám sát cụ thể, các quy định thưởng phạt rõ ràng.


TTN- Minh Phương - Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN