Theo đó, trong tổng số 598 đại biểu tham gia bỏ phiếu (trên tổng số 631 hạ nghị sỹ), có 439 đại biểu bỏ phiếu thuận, 119 đại biểu bỏ phiếu chống và 40 bỏ phiếu trắng. Đáng chú ý, trong số các phiếu chống có tới 48 phiếu từ chính các nghị sỹ trong liên minh đảng Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo cầm quyền (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel quả quyết rằng đây là cơ hội cuối cùng để giúp Athens tránh khỏi một kịch bản “hỗn loạn”. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngay trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh việc thỏa thuận với Hy Lạp sẽ gây "khó khăn cho tất cả các bên", nhưng là cơ hội cuội cùng để giải quyết cuộc khủng hoảng. Theo bà, không ra tay cứu giúp Hy Lạp vào lúc này sẽ là "hành động vô trách nhiệm" và có thể gây hỗn loạn trong khu vực đồng tiền chung.
Đức là một trong những nước chủ chốt trong Eurozone và cũng là một trong những chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp trong Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, việc Hạ viện Đức "bật đèn xanh" cho gói thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp sẽ là tín hiệu quan trọng để các đối tác châu Âu khác nhanh chóng chấp thuận nối lại đàm phán với Athens về triển khai gói cứu trợ thứ ba từ các định chế châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với tổng trị giá 86 tỷ euro.
Cùng ngày, Quốc hội Áo cũng bỏ phiếu ủng hộ đàm phán về chương trình cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp. Ủy ban Quốc hội về các vấn đề EU của Thuy Điển cũng đã ủy nhiệm cho Chính phủ nước này đàm phán về chương trình trợ giúp Athens. Trong khi đó tại Latvia, chính phủ nước này họp phiên bất thường thể hiện quyết tâm ủng hộ đàm phán về chương trình trợ giúp Hy Lạp.
Việc Hạ viện Đức, Quốc hội Áo, Thụy Điển và chính phủ Latvia ủng hộ tiến hành đàm phán về gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp diễn ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi thông báo ECB quyết định nâng mức trần cứu trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng "ốm yếu" của Hy Lạp thêm 900 triệu euro (978 USD). Với quyết định trên, các ngân hàng của Hy Lạp sẽ mở cửa trở lại từ ngày 20/7 tới, sau gần 3 tuần đóng cửa. Theo Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp Dimitris Mardas, từ đầu tuần tới người dân Hy Lạp có thể tới ngân hàng thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Trước đó, hôm 15/7, Quốc hội Pháp cũng đã bỏ phiếu đồng ý thảo luận về gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp với tỷ lệ ủng hộ áp đảo tại cả 2 viện. Sau đó một ngày, Quốc hội Phần Lan cũng thông qua quyết định tương tự. Theo quy định, thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp phải được quốc hội các nước thành viên Eurozone thông qua mới có thể chính thức được triển khai.
Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo Eurogroup đã đồng ý cấp cho Hy Lạp khoản tín dụng bắc cầu trị giá 7,16 tỷ euro trước ngày 20/7 tới.