* Ông Đinh Tiến Dũng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Hữu Vạn giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 24/5, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu về việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Đinh Tiến Dũng. Tiếp đó, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Đinh Tiến Dũng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước. Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Nguyễn Hữu Vạn.
Theo kết quả kiểm phiếu, trong số 461 phiếu bầu, có 343 đại biểu tán thành (chiếm 68,87%), số đại biểu không tán thành 118 đại biểu, chiếm 23,69%.
Trước đó, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội và thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.
Về cơ bản, các đại biểu tán thành với những đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm qua đến nay và dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội.
Đa số đại biểu thống nhất với đề nghị của Chính phủ lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật Hải quan (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; điều chỉnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội thành dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và chuyển sang chương trình năm 2014. Đồng thời, lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sang năm 2014 để xem xét cùng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); lùi dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) sang năm 2014, để xem xét, thông qua sau khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua.
Các đại biểu cũng thống nhất chưa đưa dự án Luật Hộ tịch vào chương trình, đợi đến khi thông qua xong Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 sẽ xem xét, bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu thì số lượng dự án luật, pháp lệnh được đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 là quá nhiều so với khả năng chuẩn bị, cũng như quỹ thời gian của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khả năng xem xét, thông qua của Quốc hội. Để bảo đảm tính khả thi của chương trình, tránh bị điều chỉnh quá nhiều, thì việc xem xét, quyết định đưa các dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần phải cân nhắc một cách thận trọng, xác định rõ sự cần thiết, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và những nội dung cơ bản của dự án, các điều kiện cần thiết bảo đảm việc soạn thảo, cho ý kiến và trình xem xét, thông qua.
Đối với Luật Cư trú (sửa đổi), các đại biểu đánh giá Ban soạn thảo đã tiếp thu chỉnh lý tốt hơn so với lần trình trước đây, các nội dung sửa đổi đã nêu rõ những vấn đề bức bách. Về cơ bản, các đại biểu đồng tình với kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định về hành vi bị nghiêm cấm; về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; về thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp; về đăng ký tạm trú; về lưu trú và thông báo lưu trú nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật Cư trú hiện hành và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư, nhất là ở khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Các đại biểu cho rằng việc xác nhận về diện tích nhà ở và số lượng người đang cư trú tại nơi ở đó sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.
TTN