Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia: Những kí ức không thể quên

Chiến tranh đã lùi xa đối với cả dân tộc Việt Nam và Campuchia, thế nhưng mỗi khi nhắc về nhiệm vụ cao cả giúp nước bạn Canpuchia thoát khỏi họa diệt chủng, những người lính tình nguyện Việt Nam lại bồi hồi xúc động. Họ nhớ về những kí ức đau thương mà nhân dân Campuchia phải trải qua dưới thời diệt chủng Pol Pot, đồng thời cũng nhớ lại những niềm vui, hạnh phúc khi đóng góp được công sức giúp đất nước bạn được hồi sinh.


Hoang tàn, đổ nát


Là người sang đất nước Campuchia nhiều lần, nhưng khi trở lại Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế - giúp bạn chống lại sự tàn bạo của tập đoàn phản động Pol Pot Ieng Sary, Đại tá Đinh Văn Huệ, Nguyên quyền Tham mưu trưởng Mặt trận 779 vẫn vô cùng xót xa: “Vào tháng giêng năm 1979, tôi cùng đồng đội trở lại những thị xã, thị trấn sầm uất của Campuchia trước kia tôi đã từng nghé nhưng chỉ toàn thấy cảnh hoang tàn, đổ nát. Hai bên đường nhà cửa trống trơn, thị trấn không còn trường học, không chùa chiền, không bệnh viện, không còn chợ... Người dân thì bị chúng dồn tới các trại tập trung bắt lao động khổ sai. Những người còn sót lại chỉ biết kêu khóc thảm thiết khi chứng kiến cảnh những người thân bị bọn Pol Pot đập đầu, giết hại. Tại một số ngôi chùa, tôi còn thấy cảnh xác người dân được chất thành đống. Mấy tháng đầu sang nước bạn, quân tình nguyện Việt Nam không có lấy ngọn rau để ăn, do không có chợ, không có người mua bán, mang tiền cũng không dùng được. Trước khi sang, bộ đội có chở theo gạo, đồ khô, nước mắm, cá khô… Để sống sót, bộ đội đã phải dùng gạo đổi cho dân, người dân lại lấy cá đổi cho mình, nói chung cứ lấy vật đổi vật. Cuộc sống của người dân nước bạn khi đó cực khổ vô cùng”.

Đại tá Đinh Văn Huệ xúc động khi nhớ lại những năm tháng sang nước bạn Campuchia giúp bạn đánh đuổi đạo quân diệt chủng Pol Pot.


Còn ông Nguyễn Huy, một người lính từng tham gia chiến trường Campuchia những năm chống lại đội quân Khmer Đỏ, cho biết: “Tôi không thể nào miêu tả được hết những cảnh tượng kinh hoàng mà bọn Khmer Đỏ gây ra. Dưới chế đội của bọn Pol Pot, tất cả ruộng rẫy hoang hóa, biến thành một màu vàng xơ xác. Thỉnh thoảng mới thấy một phum nhưng cỏ lan mặt đất, phên vách tả tơi, không một bóng người. Đi đâu cũng thấy đầu lâu, xương người trắng xỉn lăn lóc. Khi đó, đất nước Campuchia như một nhà tù khổng lồ, nhiều đau thương và đói nghèo, tật bệnh”.


“Sinh ra một lần nữa”


Từ thời xa xưa, Việt Nam đã có nhiều lần giúp đỡ nước bạn Campuchia cả trong chiến đấu và xây dựng đất nước. Đặc biệt, kể từ khi có Đảng ra đời lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, trên tinh thần “Giúp bạn là tự giúp mình” quân đội và nhân dân ta đã trải qua ba lần liên minh chiến đấu giúp bạn và cùng bạn chống lại kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt, lần thứ ba là cùng bạn chống lại bọn Khmer Đỏ Pol Pot- Ieng Sary đội lốt cộng sản xã hội chủ nghĩa, đổi bạn thành thù và diệt chủng chính dân tộc mình.

Đại tá Đặng Khắc Thỏa vẫn nhớ như in những năm tháng bên nước bạn để giúp đồng bào bạn xây dựng lại cuộc sống mới.


“Trong những năm tháng sang làm nhiệm vụ quốc tế, đơn vị của tôi đã dùng xe của mình đi khắp vùng rừng núi của 5 tỉnh có Mặt trận 779 đóng quân để chở bà con về với làng mạc của họ. Sau đó, chúng tôi giúp những người dân này sửa lại nhà, ai không còn nhà thì dựng lại nhà, làm sạch giếng cho đồng bào bạn uống, nhường gạo cho đồng bào bạn ăn, khôi phục và sửa chữa lại trường học. Lực lượng ngành y của mình đi cùng bộ đội thời bấy giờ thì chữa bệnh cho đồng bào bạn. Dần dần trường lớp, làng mạc, bệnh viên, trường học… được khôi phục lại”, ông Huệ chia sẻ.


Trao đổi với chúng tôi về những ngày chiến đấu giúp nước bạn Campuchia hồi sinh, những người lính của Mặt trận 779 cho biết: Trước khi bộ đội ta sang nước bạn làm nhiệm vụ quốc tế, Đảng và Bộ quốc Phòng đã chỉ đạo hành động theo từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đầu do bạn chưa có gì, ta sẽ thực hiện “Ta làm giúp bạn”- nghĩa là đánh giặc cũng ta, giúp dân sản xuất cũng ta, xây dựng chính quyền cũng ta (bởi khi đó chính quyền của bạn đã bị bọn phản động phá hủy). Khi bạn đã có cơ sở, ta chuyển sang khẩu hiệu “Ta, bạn cùng làm”. Giai đoạn ba là “Bạn làm ta giúp”- nghĩa là bạn đã “lớn”, bạn yêu cầu tới đâu mình giúp tới đó. Cuối cùng, khi bạn thực sự lớn mạnh thì ta rút toàn bộ quân tình nguyện về nước để bạn tự đảm đương.


Đại tá Đặng Khắc Thỏa, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 7701, Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 779, cho biết: “Nhìn thấy niềm vui hiện ra trên khuôn mặt người dân Campuchia sau khi được giải thoát khỏi các trại tập trung của Pol Pot trở về phum - ấp, chúng ta mới thấy hết được công sức lớn lao của quân tình nguyện Việt Nam. Nhiều người dân Campuchia khi đó đã nói bộ đội Việt Nam đã sinh ra họ thêm một lần nữa”.


Đội quân của Phật


Những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn không hề đơn giản đối với những người lính Cụ Hồ. Bởi họ vừa trải qua một cuộc trường kỳ kháng chiến ngay tại đất nước mình, vừa từ chiến trường trở về đoàn tụ với gia đình trong thời gian ngắn ngủi, thậm chí có người đi lần này sẽ mãi mãi không về. Nhưng vì giúp đồng bào của bạn thoát khỏi họa diệt chủng, vì tình hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia mà những người lính Cụ Hồ lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.


Đại tá Huệ tâm sự: “Sau khi hòa bình lập lại, nhiều đồng đội đã giải ngũ hoặc chuyển ngành. Khi nước bạn cần giúp đỡ, tôi đã được giao nhiệm vụ đi vận động những chiến sỹ, đồng đội chuyển ngành, giải ngũ ấy quay lại tham gia chiến đấu giúp bạn. Khi đó, những đồng đội này có thể từ chối không tham gia, tuy nhiên, tất cả các đồng đội của tôi đều đồng lòng quay lại, sát cánh bên nhau để giúp nước bạn. Khi nhìn thấy những nỗi buồn trên gương mặt người thân của đồng đội mình, tôi mới hiểu hết được sự hi sinh cao cả của những người ra đi và người thân ở quê nhà. Có người sống hơn 30 năm ngoài chiến trường, nay vừa kịp trở về đoàn tụ gia đình chưa đầy 2 năm sau thì lại vội vàng lên đường giúp bạn. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ bên nước bạn Campuchia, nhiều đồng đội của tôi đã không thể trở về với gia đình càng khiến tôi buồn lòng, xót xa hơn”.


Với một đất nước coi đạo Phật là quốc đạo, sau khi giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng, nhiều cán bộ, người dân Campuchia đã coi bộ đội Việt Nam là “đội quân nhà Phật”. Đội quân này đã giúp đưa nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; giúp họ có cơm ăn, áo mặc; giúp cây, con giống để nuôi trồng… Bộ đội Việt Nam cũng giúp phục hồi chùa chiền, khôi phục hoạt động của giới sư sãi.


“Người dân nào cũng vậy, họ rất hiền lành và biết ơn người làm ơn cho mình, người dân Campuchia cũng vậy. Bởi họ được hồi sinh từ chết chóc, từ cõi chết trở về nên từ cán bộ, đến người dân Campuchia đều coi bộ đội Việt Nam là ân nhân của họ. Thậm chí, có nhà sư còn nói, trong lúc họ chết chóc như vậy chỉ có một “đội quân nhà Phật” đã sẵn sàng giúp đỡ họ, đó là bộ đội Việt nam”, Đại tá Huệ kể.


Ngày nay, khi có dịp trở lại đất nước bạn Campuchia, Đại tá Đinh Văn Huệ cũng như những người bạn của ông- người từng chiến đấu trên mạnh đất này, đã không giấu được nỗi xúc động và mừng cho sự phát triển của nước bạn, một đất nước đã đi lên từ mối họa diệt chủng. Và trong lòng mỗi người lính Việt Nam từng chiến đấu ở đây năm xưa, luôn rất tự hào vì mình đã đóng góp một phần công sức trong sự hồi sinh đó của nước bạn.

Mặt trận 779 được thành lập trên nền tảng Bộ Tư lệnh Tiền phương - Quân khu 7 năm 1981, với nhiệm vụ giúp đỡ nước bạn đánh đuổi đội quân diệt chủng Khmer Đỏ và xây dựng lại cuộc sống mới cho người dân ở các tỉnh Kong Pong Thom, Kampong Cham, Svay rieng, Prey Veng, Kratie...


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN