Bước chân ra đường trong những ngày tháng 4, đâu đâu ta cũng thấy không khí kỉ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu treo khắp nơi. Mọi người hồ hởi bởi đây là đại lễ của đất nước, ngày mà Tổ quốc sạch bóng quân thù, Bắc - Nam thu về một mối. Nhưng có lẽ với nhiều người, đây đơn giản chỉ là dịp nghỉ lễ dài ngày.
Trong thời buổi đất nước hội nhập, chúng ta tiếp nhận rất nhiều luồng văn hóa khác nhau. Vì vậy đôi khi muốn biết về thời Tam quốc, các vị Lương Sơn Bạc của Trung Quốc hoặc tên tất cả ngôi sao Kpop thì đừng nghĩ xa vời, có khi chính bạn bè, anh em của bạn lại hiểu rất rõ. Vô tình chúng ta quên rằng, lịch sử hay những nét đẹp của nước mình còn rất nhiều điều thú vị. Giới trẻ hiện nay không tỏ tường lịch sử đấu tranh của cha ông ngày trước bởi họ dành nhiều thời gian hơn cho việc tiếp xúc với văn hóa của nước khác, hoặc cũng bởi nền giáo dục chưa phát huy tính hiệu quả của môn học.
Trong các nhà trường hiện nay, hỏi môn học nào đáng sợ nhất thì phần lớn học sinh nói rằng môn lịch sử. Các con số chồng chéo, những sự kiện cũng chồng chéo theo. Thật khó nhớ. Vì vậy dễ hiểu khi đến kì thi đại học hàng năm, khối văn sử địa luôn khan hiếm thí sinh. Trong khi đó, những bộ phim lịch sử hoặc mang hơi hướng lịch sử của Trung Quốc, Nhật Bản hoặc một số nước khác luôn hấp dẫn người xem, khiến người xem nhập tâm.
Còn chúng ta, những ngày kỉ niệm, các cụm rạp luôn vắng khách hoặc các chương trình trên ti vi sẽ bị chuyển kênh nếu đó là phim lịch sử. Giáo dục nhà trường chỉ là một phần, nhưng xã hội cũng quan trọng. Một đứa trẻ hỏi bố mẹ hoặc những người xung quanh rằng 30/4 là ngày gì, nó sẽ chỉ nhận được câu trả lời rằng là ngày giải phóng miền Nam, tuyệt nhiên không có thêm thông tin nào nữa. Mọi ký ức hào hùng, oanh liệt, cả sự mất mát hầu như rất ít được tái hiện. Mặc dù nghe mọi người kể chuyện sẽ hay hơn nhiều so với việc ngồi 45 phút nghe cô giáo lịch sử liệt kê các sự kiện.
Thiết nghĩ bên cạnh những cuộc hội thảo, những chương trình rầm rộ, thì những giờ học ngoại khóa ở bảo tàng hay đài tưởng niệm hoặc chương trình tham quan với hoạt động thiết thực sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của những ngày tháng đặc biệt. Tuy nhiên cũng phải nói, xã hội đã rất quan tâm tới việc giáo dục lịch sử, vì vậy để con người hiện đại biết trân trọng quá khứ của ông cha thì ý thức trách nhiệm của từng người là điều mấu chốt. Trách nhiệm với quá khứ và trách nhiệm với tương lai của đất nước. Thế hệ ngày nay phải biết ơn sự hy sinh của ông cha từ chính tâm khảm của mình chứ không phải việc hô hào.
Thế giới ngày càng phát triển và hôm nay ta có tự do không có nghĩa điều đó trường tồn mãi mãi nếu như ta không biết trân trọng nó. Ghi nhớ lịch sử để thấy độc lập là điều quý giá, để từ đó ý thức được trách nhiệm của mỗi cá nhân. Đất nước ta đang phải đứng trước nhiều khó khăn không chỉ về kinh tế mà lĩnh vực an ninh, quốc phòng lại càng nóng bỏng. Vì vậy, ôn lại chặng đường 40 năm độc lập, để mỗi cá nhân ý thức được rằng nó khó khăn như thế nào. Từ đó mỗi người tăng cường trách nhiệm và nghĩ xa hơn đến độc lập của đất nước trong tương lai sau này.