Đang bước vào mùa khô, mùa rất dễ xảy ra cháy rừng. Một trong những biện pháp phòng cháy rừng là ngay từ khi thiết kế trồng rừng phải thiết kế băng cản lửa. Đối với những khu rừng đã trồng và các khu rừng tự nhiên mà chưa có đường băng cản lửa, thì phải thiết kế bổ sung. Có hai loại đường băng cản lửa là băng trắng và băng xanh.
- Đường băng trắng: Là những khoảng trống đã được chặt trắng thu dọn hết cây cỏ, thảm mục và được cuốc hay cày lật đất nhằm ngăn cản lửa rừng khi xảy ra cháy.
- Đường băng xanh: Là những băng được trồng cây hỗn giao, có kết cấu nhiều tầng, chọn những loài cây có khả năng chịu lửa tốt, phân chia rừng thành các lô nhằm ngăn cản cháy lớn. Đường băng xanh có tác dụng ngăn hai loại cháy là: Ngăn cháy mặt đất và ngăn cháy lướt trên tán cây. Đường băng cản lửa cũng đồng thời là đường dùng để di chuyển lực lượng, phương tiện khi xảy ra cháy rừng, đường tuần tra bảo vệ rừng và phục vụ các hoạt động kinh doanh rừng.
* Về mặt thiết kế đường băng, bà con lưu ý:
- Đối với địa hình bằng hoặc dốc dưới 15O, đường băng phải vuông góc với hướng gió chính trong mùa cháy.
- Đối với địa hình phức tạp và dốc trên 15O, đường băng được bố trí trùng với đường đồng mức.
* Các loại đường băng cản lửa gồm:
- Đường băng chính: Được thiết kế ở những nơi có diện tích rừng lớn, phân ra thành nhiều khu, khoảnh có diện tích từ 3.000 - 5.000 ha. Khi thiết kế phải kết hợp và lợi dụng các công trình tự nhiên như đường sắt, sông suối... Đối với rừng tự nhiên đường băng chính được chia thành từng khoảnh có cự ly cách nhau từ 2 - 3 km. Bề rộng tối thiểu đối với đường băng chính từ 8 - 20 m và nên trồng cây xanh.
- Đường băng phụ: Thường được xây dựng ở những vùng rừng dễ cháy và có cường độ kinh doanh cao. Đường băng phụ có bề rộng từ 6 - 12 m và cũng nên trồng cây xanh. Như vậy đường băng chính và phụ được xây dựng sẽ chia những khu rừng thành khoảnh có diện tích từ 100 - 500 ha.
Lưu ý: Bề rộng và cự ly đường băng cản lửa tại một số loại rừng mang tính tham khảo.
XM (Theo tài liệu Cục Kiểm lâm)