Hỏi: Cơ quan nào có trách nhiệm dự báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ sinh vật hại rừng?
Lù Văn Vin (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên)
Trả lời: Điều 48 của Nghị định 23/2006/NĐ-CP về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, qui định:
1. Việc trồng cây rừng, nuôi hoặc chăn, thả động vật vào rừng phải thực hiện theo đúng pháp lệnh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật và pháp lệnh về thú y; không được sử dụng thuốc phòng, trừ sinh vật hại rừng không đúng theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
2. Chủ rừng phải chấp hành đầy đủ các biện pháp về phòng, trừ sinh vật hại rừng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, trừ sinh vật hại rừng và phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện các biện pháp phòng, trừ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
3. Các biện pháp lâm sinh hoặc sinh học để phòng, trừ sinh vật gây hại rừng được khuyến khích bao gồm: Gieo trồng các loại cây có khả năng chống chịu sinh vật gây hại. Diệt trừ hoặc ngăn chặn sinh vật hại rừng bằng việc sử dụng các nhân tố sinh vật như: Động vật ký sinh, động vật ăn thịt. Nhân hoặc thả những loài sâu hại đã bị diệt dục hoặc những loài sâu hại đã được tác động để làm mất khả năng di truyền. Diệt trừ hoặc ngăn chặn sự phát triển của các quần thể sinh vật hại bằng cách phối hợp, sử dụng một cách hợp lý hai hoặc nhiều biện pháp để duy trì mật độ sinh vật hại bằng hoặc dưới ngưỡng kinh tế.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm dự báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ sinh vật hại rừng. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các lực lượng để diệt trừ sinh vật hại rừng trong phạm vi địa phương, không để sinh vật gây hại rừng lây lan sang các địa phương khác.
Theo Ủy ban Dân tộc