Ngày 24/6, Quốc hội Pháp đã thông qua một dự luật do thám mới gây tranh cãi, theo đó mở rộng quyền cho các cơ quan tình báo để do thám công dân nước này. Động thái trên diễn ra cùng ngày xuất hiện những phản ứng dữ dội sau khi các tài liệu tiết lộ việc Mỹ do thám 3 đời tổng thống Pháp bị rò rỉ.
Toàn cảnh một phiên họp của Quốc hội Pháp. Ảnh: AFP-TTXVN |
Dự luật mới nói trên cho phép các nhà chức trách theo dõi các cuộc trao đổi qua điện thoại di động hoặc thiết bị kỹ thuật số của bất cứ ai liên quan đến một cuộc điều tra "khủng bố" mà không cần sự cho phép từ tòa án, đồng thời buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet và công ty điện thoại phải cung cấp dữ liệu khi được yêu cầu.
Các cơ quan tình báo sẽ có quyền đặt máy ghi hình và thiết bị thu âm tại nơi ở cá nhân và cài đặt ứng dụng ghi lại các hoạt động của bàn phím của một máy tính mục tiêu. Cơ quan chức năng cũng có thể lưu giữ các bản ghi trong 1 tháng và siêu dữ liệu trong 5 năm.
Dự luật này bắt đầu được soạn thảo ngay sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố hồi tháng 1 vừa qua ở Pháp khiến 17 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra chỉ thị cần thiết soạn thảo một dự luật mới về tình báo từ giữa năm ngoái. Mặc dù vậy, các nhóm hoạt động nhân quyền vẫn chỉ trích rằng Pháp đang "tiến một bước gần hơn tới việc trở thành 1 nhà nước do thám".
Các nhà lập pháp Pháp đã rơi vào tình huống khó xử khi bỏ phiếu cho dự luật nói trên trong bối cảnh trang WikiLeaks vừa tiết lộ những tài liệu được xếp hạng "tuyệt mật" của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), cho thấy cơ quan này đã do thám các nguyên thủ Pháp trong khoảng thời gian ít nhất từ năm 2006 đến tháng 5/2012.
Trong số này có tài liệu đề ngày 22/5/2012, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Francois Hollande nhậm chức thay ông Nicolas Sarkozy.
Tuy nhiên, ngày 24/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry một lần nữa khẳng định Washington không do thám Tổng thống Hollande hay bất kỳ quan chức chính phủ nào khác của Pháp.
Theo WikiLeaks, ngoài hoạt động của ba vị tổng thống Pháp - gồm hai cựu Tổng thống Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và đương kim Tổng thống François Hollande, NSA còn do thám các thành viên nội các Pháp cũng như Đại sứ Pháp tại Mỹ.
Tiết lộ mới về âm mưu tấn công hệ thống giao thông ở PhápĐối tượng người Pháp gốc Algeria Sid Ahmed Glham, nghi can bị bắt hồi tháng Tư do âm mưu tấn công các nhà thờ ở Paris, còn có kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào tuyến đường sắt hoặc tàu điện ngầm của Pháp. Đây là thông tin được đăng tải trên báo "Figaro" của Pháp số ra ngày 25/6.
Đối tượng Sid Ahmed Glham. |
Theo "Figaro", Glham không thực hiện những âm mưu tấn công một mình mà cấu kết với một mạng lưới khủng bố. Theo đó, đối tượng này đã nhận lệnh tấn công các địa điểm trên từ một thủ lĩnh có thể ở Iraq hay Syria, cùng với tài liệu hướng dẫn chuẩn bị các vụ tấn công khủng bố ở các nhà thờ.
"Figaro" cho biết khi lên kế hoạch tấn công nhà thờ, Glham nhận được hướng dẫn công thức pha chế các chất nổ và một thùng chứa hợp chất hóa học axetilen.
Trong khi đó, Glham cho rằng khi thực hiện tấn công khủng bố ở các tuyến giao thông, y có thể sát hại "150 người ngoại đạo" và có thể ghi hình lại những vụ khủng bố trên để làm tư liệu tuyên truyền cho tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Sid Ahmed Glham, 24 tuổi bị bắt giữ hồi tháng 4 vừa qua. Qua khám xét nhà riêng và xe hơi của đối tượng này, cảnh sát đã phát hiện 4 súng tiểu liên Kalashnikov, đạn dược, hai khẩu súng lục, áo chống đạn cùng tài liệu liên quan đến Hồi giáo.
Đối tượng cực đoan này đã bị cơ quan tình báo Pháp theo dõi từ lâu vì có ý định sang Syria để gia nhập hàng ngũ thánh chiến. Ngoài ra, y còn bị tình nghi dính líu đến vụ sát hại một phụ nữ Pháp.