Pháp, Đức tìm cơ chế giám sát lệnh ngừng bắn ở Ukraine

Ngày 25/6, trong cuộc điện đàm kéo dài hơn một giờ với các nhà lãnh đạo của Nga và Ukraine, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi thiết lập cơ chế giám sát lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Trong một tuyên bố, Phủ Tổng thống Pháp nêu rõ ông Hollande và bà Merkel đã khuyến khích Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko “hợp tác với nhau, đặc biệt nhằm thiết lập một cơ chế giám sát lệnh ngừng bắn”. Các nhà lãnh đạo nói rằng tiến trình này có thể được thực hiện với sự giúp đỡ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đồng thời kêu gọi lập tức trả tự do cho những người bị cả 2 bên giam giữ.

Trước đó, nhà chức trách Ukraine đã nhất trí thực thi một lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần có hiệu lực vào ngày 21/6 cho dù lực lượng ly khai đã bắn hạ một máy bay trực thăng của quân đội.

Xác máy bay Mi-8 của quân đội Ukraine bị bắn hạ tại thị trấn Krasnoarmeysk, ngoại ô Slavyansk ngày 25/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong diễn biến cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Nga phải có những bước đi cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời cảnh báo Moskva có thể dễ dàng được Quốc hội Nga một lần nữa phê chuẩn hành động can thiệp quân sự.

Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Nga Putin phải công khai kêu gọi lực lượng ly khai hạ vũ khí và ngừng hỗ trợ cho lực lượng này. Theo ông Kerry, có nhiều điều cụ thể có thể tạo ra sự khác biệt trên thực địa.

NATO hỗ trợ bổ sung cho Ukraine

Theo tuyên bố được đăng trên trang web của NATO, các ngoại trưởng liên minh quân sự này ngày 25/6 đã thông qua một gói biện pháp hỗ trợ bổ sung để “tăng cường khả năng tự bảo vệ của Ukraine”.

Gói hỗ trợ này bao gồm việc thành lập các quỹ tín thác mới để giúp nâng cao năng lực quốc phòng của Ukraine trong những lĩnh vực quan trọng, như hậu cần, chỉ huy và kiểm soát, phòng thủ mạng và giúp đỡ cựu quân nhân trở lại cuộc sống bình thường.

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch hòa bình của Ukraine. Theo ông, Ukraine có một tầm nhìn rõ ràng trong việc tái thiết lĩnh vực an ninh và quốc phòng cũng như có một chiến lược cụ thể để giải quyết khủng hoảng.

Tại hội nghị, các ngoại trưởng NATO cũng nhất trí duy trì biện pháp đình chỉ hợp tác dân sự và quân sự với Nga. Ông Rasmussen nhấn mạnh mọi việc sẽ không bình thường trở lại với Nga cho đến khi Moskva tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của họ.


T.N(theo AFP/
THX)
Dư luận đánh giá cao việc Nga rút quyền can thiệp quân sự vào Ukraine
Dư luận đánh giá cao việc Nga rút quyền can thiệp quân sự vào Ukraine

Quyết định của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga hủy bỏ một nghị quyết cho phép đưa quân đến Ukraine đã nhận được những phản ứng tích cực từ Ukraine và các đồng minh phương Tây của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN