Phản hồi về bài viết "Vì sao hoa hậu "ngại" trách nhiệm xã hội?

LTS: Ngay sau khi đăng loạt bài viết "Vì sao hoa hậu "ngại" trách nhiệm xã hội?", báo Tin Tức đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc, những người dân, lên tiếng về vấn đề này, thể hiện sự đồng tình với việc Hoa hậu, người đẹp cần có trách nhiệm với xã hội sau khi đăng quang. Xin trích đăng một số ý kiến

 

Phương Thanh Phan (Tây Hồ - Hà Nội):


Với tiêu chí là một hoạt động văn hóa nhằm định hướng giáo dục thẩm mỹ cho tuổi trẻ, các cuộc thi nhan sắc được khởi xướng không nằm ngoài mục đích tìm ra gương mặt hội tụ cả vẻ đẹp ngoại hình lẫn tâm hồn, trí đức... tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam và tôn vinh người phụ nữ Việt Nam. Đã là nét đẹp tiêu biểu được xã hội công nhận và tôn vinh trong cả rừng nhan sắc ấy, thì bản thân các Hoa hậu, Á hậu, người đẹp... sau khi đăng quang đều phải có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, để tri ân sự tôn vinh của xã hội và cộng đồng với mình. Nếu không làm được điều đó, thì danh hiệu sắc đẹp trao cho họ là vô nghĩa. Bởi nếu chỉ cần vẻ đẹp về ngoại hình thì trong xã hội có rất nhiều người xứng đáng được gọi là “Hoa hậu”, là “Người đẹp”, chứ chưa chắc những người tham gia các cuộc thi nhan sắc mới là có nhan sắc.


 

Xã hội cần thêm nhiều những hoạt động vì cộng đồng của hoa hậu. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

 

Xã hội đề cao vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam và xã hội cần những người như thế tham gia vào các hoạt động từ thiện, các hoạt động vì cộng đồng để làm tấm gương và định hướng phát triển nhận thức cho công chúng nói chung và cho giới trẻ nói riêng -khi mà xã hội hiện đại ngày nay đã làm cho một bộ phận không nhỏ giới trẻ có con mắt thờ ơ với những gì đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh mình, chứ đừng nói đến làm từ thiện.


Dạo một vòng các trang web về những người nổi tiếng, về giới showbiz, tôi thấy nhan nhản các thông tin Hoa hậu X, Á hậu Y, Người đẹp Z... tham gia nào là liên hoan phim quốc tế, nào là các show trình diễn thời trang, nào là ra mắt một seri mới của một thương hiệu ô tô nổi tiếng trên thị trường, và thậm chí có cả các... lễ khai trương shop thời trang của một người nổi tiếng khác... Quả thật là nhiều vô cùng! Dân chúng ngưỡng mộ trước vẻ đẹp lộng lẫy của các người đẹp, và như vậy họ trở thành công cụ PR cho nhãn hàng và các sản phẩm đắt tiền đó. Dĩ nhiên, họ được trả tiền cho sự xuất hiện ấy. Thực tế cho thấy rất nhiều người đẹp có thu nhập khủng từ việc tham gia các sự kiện tùy thuộc vào mức độ “hot” của họ.


Nhưng để thấy những nhan sắc ấy tham gia các hoạt động từ thiện phi lợi nhuận thì là quá hiếm hoi. Có vẻ như họ chỉ làm điều đó ngay sau khi đăng quang, khi mà niềm vinh dự nhận chiếc vương miện Hoa hậu vẫn còn tràn ngập trong tâm trí khiến họ không - thể - không trích ngay một phần khoản tiền thưởng để làm từ thiện hoặc thực hiện một hai chương trình vì cộng đồng ngay sau khi đăng quang, khi sức ép từ dư luận với một danh hiệu sắc đẹp còn lớn. Còn sau đó, gần như không thấy họ xuất hiện trong bất cứ chương trình hay hoạt động vì cộng đồng nào. Vô hình chung, danh hiệu Hoa hậu, Á hậu, Người đẹp trở thành chiếc “cần câu” giúp người đẹp kiếm tiền từ việc chụp hình quảng cáo, tham gia đóng phim, tham dự các event... - những hoạt động mang lại thu nhập cho bản thân người đẹp, chứ danh hiệu ấy lúc này đã không còn mang giá trị trách nhiệm và ý nghĩa xã hội cao cả mà xã hội đã gửi gắm vào đó như tiêu chí ban đầu nữa. Và lý do chính để người đẹp được xã hội lựa chọn để nhận chiếc vương miện cao quý có thể đã bị lãng quên một cách vô tình hay cố ý. Nếu là sự cố ý, thì họ quả thực không xứng đáng với danh hiệu ấy.


Vấn đề xử lý đối với những người đẹp không làm tròn trách nhiệm với danh hiệu họ được tôn vinh không chỉ nằm ở việc xử phạt hay tước bỏ danh hiệu của họ. Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt ở đây là việc giáo dục ý thức chung cho những cá nhân được xã hội lựa chọn, tôn vinh và gửi gắm trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng thông qua danh vị được trao tặng cho họ ngay từ khi họ mới bắt đầu tham gia các cuộc thi sắc đẹp, để họ ý thức ngay từ đầu vai trò trách nhiệm của bản thân với xã hội nếu họ được đăng quang các ngôi vị cao nhất. Đã làm từ thiện là phải tự nguyện. Do vậy, chỉ có sự tự ý thức và nhận thức của bản thân mỗi hoa hậu, mỗi người đẹp (ngay cả khi tham gia các cuộc thi này họ mới được lĩnh hội) mới là nền tảng bền vững giúp họ lựa chọn đúng con đường đi của mình để xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của xã hội và công chúng.

 

Chu Hồng Dung - Cán bộ tại Hà Nội:


Theo tôi, một trong những điểm nhấn quan trọng nhất sau khi đoạt vương miện chính là tân Hoa hậu phải trích trong tổng số tiền thưởng cho hoạt động từ thiện xã hội và tham gia vào những hoạt động này. Bên cạnh đó, Hoa hậu phải giữ gìn hình ảnh, thực hiện những nghĩa vụ sao cho xứng đáng với danh hiệu được trao. Tuy nhiên, trong giới showbiz hiện nay chỉ một số ít các người đẹp vẫn giữ được hình ảnh đẹp sau khi đăng quang, còn lại đa số đều chạy theo các event với mức cát sê khủng để đáp ứng nhu cầu xài hàng hiệu, đi “xế” xịn... Điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của các cuộc thi Hoa hậu nói chung cũng như hình ảnh ngôi vị Hoa hậu nói riêng trong lòng người hâm mộ. Vì vậy, theo ý kiến cá nhân tôi, nên yêu cầu các thí sinh phải đọc kỹ bản cam kết, suy nghĩ chín chắn và ý thức được trọng trách của việc đăng quang trước khi bước vào cuộc thi. Còn nếu như trong trường hợp Hoa hậu không làm tròn trách nhiệm xã hội cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc như phạt tiền hoặc thậm chí tước bỏ ngôi vị nếu như cần thiết.

 

(Còn nữa)


TT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN