Phú Lương là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thái Nguyên, tập trung nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Bao đời nay bà con chỉ quen sống bằng cây lúa và cây chè, chăn nuôi lợn, gà… theo kiểu tự cung tự cấp.
Thế nhưng, anh Trần Kiên - một nông dân trẻ ở xóm Đường Goòng, xã Cổ Lũng, đã mạnh dạn đi đầu trong việc đầu tư chăn nuôi chồn nhung đen. Đáng mừng hơn, anh còn liên kết, tập trung các hộ chăn nuôi chồn nhung đen trong xóm để thành lập Hợp tác xã chăn nuôi chồn nhung đen duy nhất của tỉnh tính đến thời điểm này.
Xác định chăn nuôi là “chìa khóa” để vươn lên trên miền đất này, ngoài số vốn dành dụm được, Kiên đã vay anh em, bạn bè và ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi cày hương, nhím, chồn nhung đen… Trải qua những khó khăn bước đầu, trong đó có cả thành công và thất bại, cuối cùng chỉ có con chồn nhung đen là “có duyên” với gia chủ. Sau khi tìm được nguồn giống chồn nhung đen tại Viện nghiên cứu chăn nuôi Thuỵ Phương (Hà Nội), năm 2009, Kiên bắt đầu xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi chồn nhung đen tại gia đình với tổng diện tích khoảng 4.000 m2.
Kiên cho biết: Một đôi chồn nhung đen giống giá dao động từ 400.000 - 500.000 đồng. Mỗi chồn mẹ có thể sinh sản từ 4 - 6 lần/năm; mỗi lần sinh từ 2 đến 8 con. Tính trung bình, nuôi 1 đôi chồn nhung đen có thể thu 5 triệu đồng/năm. Chồn nhung đen là loại động vật ăn cỏ, thịt của nó thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành thuốc tẩm bổ cho sức khỏe. Thịt chồn có rất nhiều công dụng như tráng dương, làm đẹp da, tăng trí thông minh, lưu thông khí huyết… nhưng lại rất dễ nuôi. Nuôi chồn có thể tận dụng được cơ bản các phế phẩm của các loại cây nông nghiệp như rơm, rạ, thân lá cây ngô, lạc, lá chuối, các loại cỏ dại mọc quanh vườn nhà… Từ một vài đôi giống, rồi phát triển lên 300 đôi chồn, đến nay anh đã có gần 4.000 đôi giống chồn. Từ khi nuôi chồn nhung đen quy mô lớn, trừ chi phí, mỗi năm anh Kiên có thu nhập trên 100 triệu đồng - một con số mơ ước của nhiều nông dân miền núi.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, nhận thấy triển vọng của nghề nuôi chồn nhung đen, anh Kiên đã vận động 15 hộ lân cận cùng chăn nuôi chồn. Khi các hộ đã có kinh nghiệm và phát triển chăn nuôi mở rộng, đến giữa năm 2012, anh lại vận động các hộ thành lập Hợp tác xã chăn nuôi chồn nhung đen. Hiện tại, Hợp tác xã chăn nuôi chồn nhung đen của anh Kiên có 15 xã viên với số vốn cố định và lưu động gần 2 tỉ đồng. Bước đầu, thu nhập của mỗi xã viên đạt khoảng 3 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã không chỉ chăn nuôi, cung cấp nguồn giống cho bạn hàng mà tiến đến còn thu mua chồn thương phẩm để sấy thịt chồn khô hoặc ướp lạnh xuất khẩu. Hiện nay, lượng giống chồn nhung đen của Hợp tác xã chăn nuôi do Kiên làm chủ nhiệm không chỉ cung cấp giống cho người dân trong tỉnh mà còn đưa đến các tỉnh lân cận như: Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Giang, thậm chí tận Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh…
Bài và ảnh: Hoàng Nguyên - Thu Hạnh