Nước Mỹ tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9

Tròn 13 năm sau ngày xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại nước Mỹ, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người, ngày 11/9, các hoạt động tưởng niệm những nạn nhân vô tội đã diễn ra tại nhiều nơi trên nước Mỹ, đặc biệt là thành phố New York và thủ đô Washington.

Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân cùng Phó Tổng thống Joe Biden và hơn 300 người khác đã dành một phút tưởng niệm tại bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng. Sau đó, ông Obama tới dự lễ tưởng niệm tại Lầu Năm Góc, một trong những mục tiêu bị tấn công cách đây đúng 13 năm.

Còn tại New York, người thân những nạn nhân đã thiệt mạng trong các vụ khủng bố này đã tập trung tại Khu vực số 0 (Ground Zero) để tưởng nhớ những người đã khuất. Lễ tưởng niệm bắt đầu bằng thời khắc im lặng vào lúc 8h46 sáng (theo giờ địa phương) - cũng là thời điểm không tặc điều khiển chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới. Thân nhân các nạn nhân đã lần lượt đọc tên những người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công ở New York, Lầu Năm Góc và Shanksville, Pennsylvania. Trong dịp này, lần đầu tiên Bảo tàng Tưởng niệm các nạn nhân vụ 11/9 tại New York mở cửa đón công chúng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố 11/9.

Trước đó, an ninh đã được siết chặt tại các thành phố lớn ở nước Mỹ. Tổng thống Obama đã có cuộc họp với các quan chức an ninh cấp cao, rà soát các mối đe dọa khủng bố, đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác giám sát an ninh trong những ngày này tại các điểm công cộng, thành phố lớn trên phạm vi cả nước.

Cảnh sát đặc nhiệm cùng với chó nghiệp vụ đã được tăng cường tới các nơi công cộng có đông người, trong khi các nhân viên an ninh ngầm cũng được triển khai. Ngoài ra, cảnh sát cũng được trang bị phương tiện dò phóng xạ và các thiết bị công nghệ cao nhằm sẵn sàng phát hiện sớm các âm mưu tấn công. Ở ngoài nước, nhân viên tình báo Mỹ trên toàn cầu được lệnh thường xuyên thông tin về trong nước, đồng thời tăng cường giám sát diễn biến trên thế giới, đặc biệt tại các điểm nóng như Dải Gaza hay khu vực Trung Đông.

Các hoạt động tưởng niệm 11/9 năm nay tại Mỹ diễn ra ít giờ sau khi Tổng thống Obama đã công bố chiến lược toàn diện mới nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, theo đó sẽ mở rộng chiến dịch không kích vào các mục tiêu của IS không chỉ ở Iraq mà cả bên trong lãnh thổ quốc gia láng giềng Syria.

Đây được coi là một sự thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Obama sau gần ba năm quyết định rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Iraq. Xác định các tay súng IS đã trở thành nguy cơ đe dọa an ninh không chỉ đối với nước Mỹ mà cả các đồng minh của Mỹ, Tổng thống Obama tuyên bố nước Mỹ sẽ nắm vai trò lãnh đạo, đồng thời kêu gọi thiết lập một liên minh rộng rãi gồm các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng là đánh bại IS.

Với hàng nghìn tay súng nước ngoài tham gia IS, trong đó có nhiều người mang quốc tịch các nước châu Âu và Mỹ, không ít người lo ngại rằng các tay súng nước ngoài này sau khi trở về nước sẽ thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ và châu Âu. Chính phủ Anh mới đây đã nâng mức báo động từ nhóm IS lên cấp độ nghiêm trọng, có nghĩa là một cuộc tấn công khủng bố không chỉ có thể sắp xảy ra mà là nhiều khả năng sẽ xảy ra.


TTXVN/Tin Tức

13 năm sau sự kiện 11/9: Bóng ma khủng bố vẫn ám ảnh nước Mỹ
13 năm sau sự kiện 11/9: Bóng ma khủng bố vẫn ám ảnh nước Mỹ

Phần lớn người Mỹ tin rằng vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 đã vĩnh viễn làm thay đổi thế giới. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi xảy ra một trong những sự kiện bi thương nhất trong lịch sử nước Mỹ, Washington quyết định phát động “Chiến dịch Tự do Bền vững”, chính thức tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN