13 năm sau sự kiện 11/9: Bóng ma khủng bố vẫn ám ảnh nước Mỹ

Phần lớn người Mỹ tin rằng vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 đã vĩnh viễn làm thay đổi thế giới. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi xảy ra một trong những sự kiện bi thương nhất trong lịch sử nước Mỹ, Washington quyết định phát động “Chiến dịch Tự do Bền vững”, chính thức tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố. 13 năm qua, nước Mỹ đã trải qua những thay đổi lớn lao với các cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq do Chính phủ Mỹ và các nước đồng minh phát động.

Hàng loạt biện pháp an ninh cũng được thực thi nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho người dân Mỹ. Thế nhưng, liệu nước Mỹ đã an toàn chưa hay “bóng ma khủng bố” vẫn hiện hữu tại siêu cường số một thế giới này?


Nguy cơ khủng bố hiện hữu


Liên quân do Mỹ đứng đầu chỉ mất một thời gian ngắn để đập tan chính quyền Taliban tại Afghanistan và Chính phủ Iraq của nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada, Osama bin Laden, kẻ bị cáo buộc là chủ mưu gây ra vụ tấn công 11/9, cũng đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, vài năm sau các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, Mỹ chợt nhận ra rằng ý nghĩ về một cuộc chiến “mã đáo thành công” để “rửa tay gác kiếm” và rút quân về nước sẽ là một sai lầm lớn. Bởi lẽ, nguy cơ nước Mỹ cùng các đồng minh Phương Tây bị khủng bố tấn công vẫn hiện hữu và những gì xảy ra ở Trung Đông, Bắc Phi đang khiến chính quyền Washington đau đầu. Al-Qeada và Taliban có thể đã suy yếu nhiều, song hiện nay có xu thế chia thành các nhóm nhỏ hoạt động tinh vi hơn và đặc biệt tư tưởng cực đoan còn có chiều hướng gia tăng.

 

Mỹ đang phải đương đầu với thách thức mới từ phiến quân IS.
Ảnh: AFP/TTXVN


Rõ ràng, nước Mỹ đã phải thường trực đối mặt với mối đe dọa khủng bố trong hơn 1 thập kỷ sau sự kiện 11/9. Âm mưu đánh bom bất thành chiếc máy bay mang số hiệu 253 chở gần 300 hành khách của Hãng Hàng không Northwest Airlines từ Amsterdam (Hà Lan) đi Detroit (Mỹ) trong dịp Giáng sinh năm 2009, vụ phiến quân Hồi giáo tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi (Libya) đúng ngày 11/9/2012 khiến Đại sứ Christopher Stevens thiệt mạng, hay vụ các tay súng Hồi giáo đánh cắp 11 chiếc máy bay thương mại tại Sân bay Quốc tế Tripoli hồi tháng 8 vừa qua… đã làm dấy lên quan ngại rằng nước Mỹ vẫn có thể phải hứng chịu thêm một vụ tấn công khủng bố kiểu 11/9.


Các nhóm khủng bố gần đây cũng ráo riết chiêu mộ công dân Mỹ và châu Âu để chiến đấu tại Trung Đông. Giới chức Mỹ cho biết ít nhất 70 người Mỹ đang tham chiến trong thành phần các nhóm Hồi giáo tại Syria và Iraq. Mới tháng 5 vừa qua, công dân Mỹ Moner Mohammad Abu-Salha đã tiến hành một vụ đánh bom liều chết tại Syria.


Thách thức mới từ IS


Trong lúc hiểm họa từ Al-Qeada và Taliban đang còn đó, Mỹ và Phương Tây giờ đây lại phải đương đầu với một thách thức có lẽ còn lớn hơn nhiều từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm khủng bố đang nắm quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn tại Iraq, Syria và vừa chặt đầu một cách dã man hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff. Hạ nghị sĩ Mỹ Peter King ngày 8/9 nói rằng ông chưa thấy mối đe dọa cụ thể nào đối với nước Mỹ trong bối cảnh dịp kỷ niệm 13 năm ngày xảy ra sự kiện 11/9 tới gần, song ông lo ngại trước việc Al-Qeada và đặc biệt là nhóm IS đang ngày càng liều lĩnh và tàn bạo. Thậm chí, một số nguồn tin chính phủ đã xác nhận với tổ chức “Judicial Watch” rằng IS đang triển khai hoạt động tại Juarez (Mexico), nơi giáp ranh với thành phố El Paso thuộc tiểu bang Texas của Mỹ.


Cựu Tư lệnh Tối cao NATO, Tướng James Staviridis, trong tháng này cảnh báo các phần tử thánh chiến IS sẽ nhắm tới các nước Phương Tây như là mục tiêu tiếp theo. Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson và giới chức tình báo Mỹ cũng công khai tuyên bố các phần tử khủng bố IS hiện là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ và đồng minh. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce ngày 8/9 nói rằng Mỹ chưa có thông tin tình báo nào cho thấy IS sẽ thực hiện một vụ tấn công khủng bố nhân dịp kỷ niệm ngày 11/9 tới. Tuy nhiên, ông cảnh báo “hiện có hàng nghìn công dân châu Âu” đang tham chiến trong hàng ngũ IS và những người này hoàn toàn có thể tới Mỹ. Phát biểu trên chương trình “Tuần này” của kênh tin tức ABC, Tướng về hưu Peter Chiarelli, nhấn mạnh “mọi công dân Mỹ nên lo ngại” trước sự lớn mạnh và bước tiến nhanh chóng của IS ở Iraq.


Khác với chính sách của người tiền nhiệm George W. Bush, người đã ra lệnh phát động hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq sau khi xảy ra sự kiện 11/9, Tổng thống Barack Obama đã “chìa cành ôliu” với thế giới Hồi giáo bằng chuyến công du tới Trung Đông-Bắc Phi vào tháng 6/2009, chỉ vài tháng sau khi ông bước chân vào Nhà Trắng. Chính quyền Obama cũng cương quyết thực hiện chủ trương rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, đồng thời né tránh cuộc xung đột vũ trang tại Syria. Theo giới phân tích, những động thái này cho thấy Tổng thống Obama muốn theo đuổi một cách tiếp cận ôn hòa hơn với thế giới Hồi giáo và theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố theo một hướng khác.

 

Tuy nhiên, Mỹ cùng các đồng minh vẫn là mục tiêu tấn công hàng đầu của các Hồi giáo cực đoan. Các nhà phân tích cho rằng sự kiện hai phóng viên Mỹ bị IS chặt đầu mới đây như giọt nước tràn ly, khiến Washington không thể không sử dụng tới “cây gậy” sau khi “củ cà rốt” không mang lại hiệu quả. Đúng như nhận định của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, Mỹ sẽ phải đối mặt với một sự kiện thậm chí còn tồi tệ hơn vụ 11/9 và nước này phải sẵn sàng với điều đó. Và một trong những sự chuẩn bị, theo ông, chính là việc tiếp tục can dự tại Trung Đông.

 

Bảo Thư

Chính quyền và giới lập pháp Mỹ thảo luận cách đối phó IS
Chính quyền và giới lập pháp Mỹ thảo luận cách đối phó IS

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội để tham khảo ý kiến về cách thức đối phó với nguy cơ đang ngày càng lớn của nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở cả Iraq và Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN