Đến thăm trang trại của ông Hoàng Văn Tuấn (55 tuổi) ở thôn Vân Tiến, xã Cát Vân, mới thấy được tinh thần dám nghĩ dám làm của những hội viên nông dân vùng cao.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, học xong cấp 3, ông Tuấn phải làm nhiều nghề để mưu sinh cho gia đình. Năm 2004, sau khi được Hội Nông dân huyện Như Xuân tư vấn, hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật trong sản xuất, ông Tuấn đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và sử dụng 5 ha đất đồi để phát triển kinh tế rừng, ông đã mua các giống cây có chất lượng tốt để phục vụ sản xuất.
Khi bắt đầu trồng rừng, ông Tuấn mất nhiều công chăm sóc các loại cây lâm nghiệp, công việc rất vất vả khiến ông nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng với niềm tin về hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại, ông đã kiên trì thực hiện. Nhờ đó, những cây keo, cây luồng, cao su do ông trồng luôn phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống gia đình được cải thiện hơn.
Năm 2016, ông Tuấn mở rộng sản xuất, chuyển sang thực hiện mô hình trang trại tổng hợp. Ông bỏ vốn đào ao nuôi cá, xây chuồng nuôi các giống bò sinh sản, lợn, dê, trồng thêm một số loại cây ăn quả như thanh long, cam, bưởi, nhãn để nâng cao nguồn thu.
Đến nay, trang trại của ông đã mở rộng lên 60 ha gồm 3 ha thanh long, 5 ao cá, 10 con bò, 4 ha diện tích trồng cây ăn quả như bưởi, gừng, chuối, mía và gần 40 ha trồng các loại cây lâm nghiệp như cao su, lát, keo, luồng. Thu nhập của gia đình ông khoảng 1 tỷ đồng/năm, ông còn tạo việc làm cho 40 lao động với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Trọng Đức, trú tại thôn Quế Phú, xã Yên Lễ, cũng là một hội viên nông dân dám nghĩ dám làm. Cách đây 10 năm, do gia đình quá nghèo, ông phải vào miền Nam làm công nhân. Năm 2014, ông quyết định về quê lập nghiệp và thực hiện mô trồng rừng gỗ lớn để phát triển kinh tế, nhập các giống cây keo, cao su, luồng về trồng trên diện tích 2 ha.
Ban đầu, công việc trồng rừng gặp nhiều khó khăn do ông không có kiến thức, kĩ thuật chăm sóc. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì, chịu khó tìm hiểu, học hỏi và áp dụng vào sản xuất, vì vậy các loại cây trồng đều phát triển tốt và cho thu nhập cao. Năm 2018, ông Đức tiếp tục mở rộng sản xuất, trồng thêm nhiều diện tích rừng, kết hợp chăn nuôi 5 con bò, 8 con dê sinh sản và trồng thêm các cây ăn quả như cam, mít.
Trang trại của ông đến nay đã mở rộng lên 8 ha, hiện ông đang nuôi 20 con bò sinh sản, 30 con dê, 3 ao nuôi cá, trồng 1 ha cây ăn quả, 5 ha cây keo, 2 ha cao su, thu nhập bình quân của gia đình ông khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho 5 lao động là người địa phương với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Đức còn luôn tham gia các hoạt động do Hội Nông dân xã tổ chức và thường xuyên hỗ trợ các hội viên nông dân khác chuyển giao khoa học kĩ thuật để phát triển kinh tế, cùng vươn lên thoát nghèo.
Bà Lô Thị Diễn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Như Xuân cho biết, Hội đã hỗ trợ các hội viên nông dân vay vốn, chuyển giao khoa học kĩ thuật để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, gồm mô hình trồng cao su, mô hình trồng rừng gỗ lớn, mô hình trang trại tổng hợp. Đến nay, nhiều nông dân đã thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế rừng, sau khi thoát nghèo, họ quay lại giúp đỡ, hỗ trợ các nông dân khác cùng cố gắng vươn lên.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Như Xuân sẽ tiếp tục phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kĩ thuật; vận động nông dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích sắn, mía, lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn để vươn lên thoát nghèo.
Trong giai đoạn 2013-2018, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã thu hút 40 vạn hộ nông dân đăng kí thi đua sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, trong đó 235.217 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp, hiện đã có 15.817 lượt hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, Hội đã vận động được 45 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân với 2.488 hội viên nông dân vay vốn, qua đó góp phần phát triển nông thôn nơi vùng cao miền núi.