“Đòn bẩy” hữu hiệu
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh, với đặc tính khác biệt của tài chính vi mô như điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, linh động trong trả nợ gốc, lãi theo tuần, tài chính vi mô được xem như một công cụ hữu hiệu tăng cường sự tự tin của phụ nữ. Đồng thời giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Cùng với việc hỗ trợ tín dụng, khách hàng nữ giới còn được tham gia quỹ tiết kiệm định kỳ cùng với các khoản vay vốn hỗ trợ, cá nhân có thêm nguồn vốn để phát triển, đầu tư sản xuất kinh doanh nhỏ.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng đó là kết quả từ sự khác biệt của tài chính vi mô với mô hình ngân hàng thương mại thông thường. Thống kê chỉ ra rằng có tới 85% khách hàng tài chính vi mô là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt có những tổ chức chỉ cung cấp các dịch vụ, sản phẩm hướng đến nhóm đối tượng khách hàng này.
Ở Việt Nam, thực tế cho thấy dịch vụ và sản phẩm tài chính vi mô được đánh giá là phù hợp với khả năng và nhu cầu của người nghèo/người có thu nhập thấp. Cùng với cung cấp các dịch vụ tài chính như: tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm... cho đối tượng nghèo và thu nhập thấp, các tổ chức tài chính vi mô còn cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo để giúp cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo có đủ năng lực khởi sự kinh doanh, thoát đói nghèo một cách bền vững.
"Tài chính vi mô là công cụ hiệu quả và đáng tin cậy, cung cấp ngày càng nhiều hơn các sản phẩm, dịch vụ tài chính và phi tài chính cho người nghèo. Tài chính vi mô đồng thời là công cụ mạnh mẽ giúp người nghèo, đặc biệt phụ nữ yếu thế trở thành trụ cột kinh tế gia đình, từ đó có thêm tiếng nói và vị thế trong gia đình - xã hội”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Đặng Thu Thủy, Học viện Ngân hàng cũng cho rằng điều này là dễ hiểu vì xuất phát từ thực tế phụ nữ thường có ít điều kiện tiếp cận với các dịch vụ của các tổ chức chính thức, đặc biệt là tín dụng. Mặt khác, phụ nữ vay vốn thường có tỷ lệ hoàn trả các khoản vay cao hơn nam giới do ngay từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh họ thường suy nghĩ, tính toán và có bước đi cẩn trọng hơn…
Tại Việt Nam, tài chính vi mô được cung cấp theo 3 khu vực. Đó là khu vực các tổ chức tài chính, bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, tổ chức tài chính quy mô nhỏ do Ngân hàng Nhà nước cấp phép với sản phẩm chủ yếu là tín dụng vi mô và nhận tiết kiệm.
Khu vực tiếp theo là các tổ chức phi Chính phủ, các chương trình được thành lập bởi các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ từ thiện và quỹ xã hội.
Cuối cùng là khu vực khác bao gồm các hoạt động cá nhân theo nhóm lẻ thông qua các hình thức như hụi/họ, vay mượn họ hàng, bạn bè, láng giềng hoặc đi vay của người cho vay lãi, vay cầm đồ...
Tính đến 30/9/2017, tại Việt Nam đã có 4 tổ chức tài chính vi mô chính thức được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng gồm: Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình thương, Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên M7, Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên Thanh Hóa và Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm.
Lượng khách hàng tại các tổ chức tài chính vi mô cũng tăng lên khá nhanh theo từng năm. Tính đến cuối năm 2017, tổng số khách hàng tại 4 tổ chức này là 438.534 người.
Hoạt động của các tổ chức này có sự tăng trưởng khá ổn định với tổng vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2017 đạt khoảng 1.376 tỷ đồng, tăng 327,4% so với cuối năm 2016. Tổng vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng đạt gần 2.700 tỷ đồng, tăng 185% so với cuối năm 2016, Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tài chính vi mô ở mức thấp 0,3% tổng dư nợ.
Liên kết hoạt động
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như: hoạt động khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức tài chính vi mô chưa cao. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa toàn diện, tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng tài chính vi mô nói chung và cho phụ nữ trong hộ gia đình nói riêng vẫn còn khiêm tốn.
Ông Trần Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Phân viện Phú Yên (Học viện Ngân hàng) cho biết, các chương trình đào tạo về giáo dục tài chính vi mô cho phụ nữ nông thôn hiện nay mới cung cấp về những kiến thức rất cơ bản, chưa có những đào tạo chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh kế hoạch vay vốn, kỹ năng sử dụng vốn vay có hiệu quả. Một số chương trình đào tạo được thiết kế chưa thực sự phù hợp với đối tượng, đặc biệt là đối tượng phụ nữ nông thôn, dẫn đến khó tiếp thu và ứng dụng trong thực tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ người nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp tại Việt Nam khá cao nên nhu cầu vay vốn ngày càng lớn. Trong khi đó, việc tăng trưởng nguồn vốn của các chương trình, dự án tài chính vi mô gặp khó khăn do vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn vốn ưu đãi, vốn huy động từ các tổ chức, cơ quan, đoàn thể còn hạn chế; nhiều chương trình, dự án phụ thuộc vào nguồn vốn tài trợ. Khó khăn về nguồn vốn đã khiến nhiều chương trình, dự án tài chính vi mô có quy mô hoạt động nhỏ bé, thiếu chuyên nghiệp và chưa có sự lan tỏa sâu rộng.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn sẽ dẫn đến việc tìm đến khu vực tài chính vi mô không chính thức, gây nguy cơ tiềm ẩn “tín dụng đen”. Lãi suất cao quá sức chịu đựng của người vay và rủi ro mất an toàn vốn cho người tham gia gửi tiền, gây ảnh hưởng đến đời sống của người nghèo và người có thu nhập thấp cũng như an ninh, trật tự tại các địa phương.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp xây dựng, phát triển hoạt động tài chính vi mô, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng cần xây dựng, ban hành các quy định để tạo điều kiện liên kết hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng với hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng ký các chương trình, dự án tài chính vi mô đang hoạt động theo quy định.
Phó Thống đốc cũng chỉ ra phải tiếp tục chuẩn hóa mô hình tổ chức hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, các chương trình, dự án thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý vừa khuyến khích sự phát triển an toàn, bền vững, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với loại hình này.
Ngoài ra, các tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi Chính phủ có chương trình, dự án tài chính vi mô cần có chiến lược, kế hoạch phát triển trong thời gian tới phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước. Các tổ chức tài chính vi mô cũng chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ mới phù hợp với đặc thù của Việt Nam và các sản phẩm phi tài chính để hỗ trợ ngày càng hiệu quả hơn cho người nghèo và người có thu nhập thấp, mà trong đó đối tượng thụ hưởng phần lớn là phụ nữ.
Với một quốc gia vẫn còn khoảng 9 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 7% dân số và khả năng tiếp cận tài chính của người nghèo, người có thu nhập thấp vẫn ở mức thấp so với khu vực và trên thế giới, dư địa cho hoạt động tài chính vi mô còn rất lớn. Hoạt động tài chính vi mô đang có cơ hội ngày càng hoàn thiện về mô hình, tổ chức hoạt động và cách thức quản lý hiệu quả để phát triển an toàn, bền vững hơn.