Nỗi lòng khóc mướn

Tới đội 4 (thôn Đông Hạ, Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội), hỏi về cái tên Khoan “khóc mướn”, không ai là không biết tới người đàn bà đã hơn 40 năm gắn đời mình với những dòng lệ “thương vay” này.


Chị Khoan “sẽ khóc hết đời mình”

“Khóc thật”

Không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu đám, chị Khoan chỉ nhớ rằng, như một thói quen, khi vào đám cảm thấy thoải mái lương tâm, cứ thế là hát.

Với những người già qua đời, người khóc thuê phải biết khóc làm sao để “bán sầu mua vui”, còn khóc cho những người chết trẻ thì thực sự buồn thảm. Như thế gọi là “khóc đúng cảnh”.

Có những gia đình chồng mất, rồi vợ mất, con nhỏ bơ vơ, mình đi khóc mướn mà cũng như đứt cả ruột gan chứ!

“Dường như cái nghề nó “vận” vào người. Khóc nhiều như thế thì chai cảm xúc mất rồi nhỉ?”, tôi hỏi. “Lúc nào cũng có cảm xúc, cái nghề này mà không tình người thì không làm được”.

Dường như bị chạm “tự ái nghề nghiệp”, chị Khoan lạnh lùng nhìn bao thuốc trước mặt, bật lửa và đưa lên miệng rít hơi thật dài, lãng đãng nhìn theo làn khói ơ hờ.

Mấy chục năm quen với “đám”, những người trong phường bát âm của chị Khoan đều bảo với nhau rằng:

Đi khóc cho nhà nghèo thấy thoải mái với nghề nghiệp hơn với nhiều gia đình nhà giàu. Cũng chỉ chừng ấy tiền thôi, họ nghèo nhưng họ sống tình nghĩa, họ tôn trọng mình.

Tiền công được nhận sau mỗi đám chừng 3,5 triệu đồng - 4 triệu đồng, có đám chỉ lấy chừng 2 triệu, có đám vì họ nghèo quá, mình không lấy tiền, thậm chí lúc tới còn thắp hương, phúng viếng. Cuối cùng thì nghiệm ra rằng, cái nghĩa cái tình mới là trên hết.

Có lúc cay đắng quá, chị nghĩ, có những nhà giàu coi mình như gánh làm mướn, tưởng bỏ tiền là xong, với những đám như thế, có lấy tiền công cả chục triệu cũng không xứng đáng với những tiếng ai oán não lòng mình dành cho người đã khuất.

Nặng một chữ “tình”

“Làm nghề này không bao giờ ngã giá. Với người đã khuất, mình phải có lương tâm, còn người sống đối với mình thế nào mặc kệ họ”.

Chị Nguyễn Thị Bảy là em dâu của chị Khoan, quen người chồng cùng tên Kiều Văn Bảy tình cờ cũng nhờ những đêm hát ở đám, rồi theo anh làm nghề đến tận bây giờ.

Chị Bảy kể rằng, mới đây, phường của chị vừa khóc cho một đám của vợ chồng ông cụ nhà nghèo. Ông cụ đi chặt tre, bị tre đâm mù mắt, may mắn không chết, nhưng ít lâu sau, khi bà vợ vắng nhà, ông cụ đói bụng, xuống bếp tìm cái ăn, bốc nhầm vốc muối, bị sặc rồi qua đời.

Cảnh nghèo, lại chết thảm nên càng tang thương hơn. Đám đó, cả phường đã bảo nhau biếu lại số tiền cho người nhà ông cụ.

Có những người, vì cáu với mẹ cha già quẫn trí, nói nhiều, khi nghe những tiếng hát trong những vở diễn trong đám, bỗng thấy lòng không còn ức chế, nhớ lại những lời trong kinh đã răn dạy mình, dạy con mình nên càng thương và đối xử có hiếu với cha mẹ. Cả chị Khoan và chị Bảy khi nhắc đến chữ “tình”, đều cười buồn:

Có những lúc thương quá, phải khóc trộm, sợ người ta nhìn thấy, người ta cười, nói mình với người chết là người dưng sao phải khóc thế?


Có những người, người thân của họ còn chẳng rơi nước mắt, huống chi thợ kèn.

Nỗi lòng riêng

Chị Bảy nói, đàn bà làm công việc này cần bản lĩnh lắm, vừa sinh con chưa được bao lâu đã phải đi làm, lũ con nhỏ lớn lên cứ thế dìu dắt nhau để cha mẹ... đi làm.

Những đứa con cứ thi nhau lớn lên, chẳng mấy khi nhìn mặt bố mẹ ở nhà, cứ đầu tắt mặt tối mà vẫn chẳng đủ nuôi con. Người đời vẫn bảo “dao sắc không gọt được chuôi”, chị Khoan đi khóc cho người đời, nhưng cái ngày mà chồng chị ra đi vì căn bệnh quái ác, chị chỉ biết trân trân nhìn di ảnh chồng, ngậm ngùi cay đắng biết mấy cũng không ra nước mắt được. Lúc đó, chị Khoan tự hỏi, phải chăng cái nghề vận vào đời mình?


Chị Khoan kể, người anh ruột cùng phường bát âm với chị cũng vậy. Đi khóc mướn khắp nơi, ấy vậy mà khi đứa con trai của ông qua đời, ông chỉ biết ú ớ đôi ba câu chẳng thành tiếng.

“Mỗi nghề một khác, nghề xây khác nghề mộc. Chúng tôi coi công việc của mình cũng có phần như đi làm phúc, họ nhờ thì mình đi khóc, không nhờ thì thôi. Với nghề này thì chẳng mong muốn gì. Có tháng đi các đám tới 15- 20 ngày, có khi cả tháng chỉ ở nhà làm ruộng. Cũng nhiều người nói nghề này bạc, mấy mươi năm rồi vẫn không bỏ, phải chăng đã yêu nghề quá mất rồi? Không biết được, chúng tôi tự bảo mình, sẽ khóc hết đời thì thôi”, nói rồi chị Khoan buồn buồn ngâm nga những câu hát trong vở “Mộc Liên tầm mẫu”: Nào ai tà đạo cháu con/Lắng nghe tôi kể đoạn trường khúc thô

Theo TGPN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN