Bộ Xây dựng vừa có những điều chỉnh về điều kiện cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh việc giải ngân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, đây vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ để giải quyết bất cập về cơ chế, chính sách đối với thị trường bất động sản hiện nay.
Gỡ mãi vẫn vướng
Từ ngày 15/11, nhiều quy định về điều kiện và đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở sẽ được Bộ Xây dựng nới rộng nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Theo đó, các đối tượng thuộc diện được vay vốn đã quy định tại điều 2 Thông tư số 07/2013 của Bộ Xây dựng trước đây nay không bị yêu cầu phải xác nhận về mức thu nhập (trừ trường hợp ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định của ngân hàng).
Các căn hộ liền kề tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) đã hoàn thành nhưng không có người ở. |
Với đối tượng vay vốn là doanh nghiệp, ngoài các quy định trước đây như: chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà chuyển đổi công năng và buộc phải có đất sạch, thông tư mới bổ sung thêm chủ đầu tư các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
TS Nguyễn Minh Ngọc: “Với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, tôi nghĩ không nên giới hạn ở nhóm đối tượng thu nhập thấp mà có thể mở ra với những nhóm đối tượng khác. Chúng ta cần đưa gói tín dụng ấy vào nhóm đối tượng nào mà có khả năng gây ảnh hưởng lan tỏa lớn nhất để làm ấm thị trường, không quan trọng là thu nhập thấp, trung bình hay cao”. |
Việc nới các điều kiện vay vốn như trên được kỳ vọng sẽ làm dòng vốn hỗ trợ thuộc gói 30.000 tỷ đồng “chảy mạnh” hơn, giúp “phá băng” thị trường bất động sản. Song không ít chuyên gia vẫn hoài nghi về hiệu quả của những sự thay đổi này. Ngay quy định “không yêu cầu phải xác nhận về điều kiện thu nhập”, nhưng lại kèm theo câu “khi ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định của ngân hàng” thì cũng chẳng khác gì so với quy định cũ, bởi không ngân hàng nào lại không yêu cầu khách vay phải có phương án trả nợ.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến chậm trễ gói 30.000 tỷ đồng là do thị trường đang thiếu hụt sản phẩm phù hợp có diện tích dưới 70 m2 và giá tiền dưới 15 triệu đồng/m2. Do đó, cùng với việc nới điều kiện vay như Bộ Xây dựng vừa làm, theo ông Đực, cần có thêm những giải pháp để tăng nhanh nguồn cung nhà ở xã hội, trong đó cần chú ý đến việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Cần thêm thời gian và giải pháp
Đồng quan điểm với ông Đực, theo GS Đặng Hùng Võ, muốn giải ngân nhanh thì phải có hàng, tức là có nhà ở xã hội. Nhưng hiện nay nhu cầu thì nhiều còn nguồn cung vẫn ít. Vì vậy việc giải ngân chậm là điều dễ hiểu.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 10, chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở mới giải ngân được khoảng 312 tỷ đồng cho 920 khách hàng cá nhân và 4 doanh nghiệp, chỉ đạt hơn 1% trong tổng số tiền của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. |
Theo các chuyên gia, cần có thêm giải pháp và thời gian để thị trường hồi phục, bởi gói 30.000 tỷ đồng khó có thể gây ra những đột biến tức thì trên thị trường bất động sản Việt Nam. Theo TS Nguyễn Minh Ngọc, Phó Trưởng khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, ĐH Kinh tế quốc dân, qua ghi nhận thực tế diễn biến của thị trường cho thấy, các động thái của Nhà nước nhằm lấy lại lòng tin của người dân đều chưa tác động nhiều đến thị trường bất động sản. “Thị trường đã đóng băng kéo dài hơn 2 năm nay, khối đầu tư không còn tin vào doanh nghiệp, kể cả một số doanh nghiệp lớn nên gói 30.000 tỷ đồng chưa có tác dụng gì đến thị trường”, TS Ngọc cho biết.
TS Ngọc cũng phân tích: Có nhiều giải pháp để cứu thị trường bất động sản nhưng tất cả các giải pháp đều nhằm lấy lại lòng tin thị trường. Niềm tin chỉ được xây dựng bằng hành động cụ thể và cần phải có quá trình.
Còn theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn đang lúng túng về chính sách nên việc giải ngân rất chậm trễ. TS Liêm đề xuất, nên có những thay đổi trong chính sách giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. “Đó là tạo điều kiện phát triển phân khúc nhà ở phổ cập, hướng đến tầng lớp thu nhập trung bình trong xã hội với mức giá khoảng 500 - 700 triệu đồng với diện tích 50 - 60 m2/căn. Nhu cầu với nhà ở này là có thực và họ có khả năng thanh toán”, ông Liêm cho biết.
Từ trước đến nay, phân khúc này chưa được quan tâm bởi khi thị trường đang sốt, các chủ đầu tư chỉ “chăm chăm” xây nhà thương mại giá cao để “hốt bạc”. Nay khi thị trường trầm lắng, chính sách nhà nước lại hỗ trợ cho nhóm đối tượng thu nhập thấp trong xã hội. Vì hướng đến cho nhóm đối tượng thu nhập thấp vay nên phải đi liền với nhiều điều khoản ràng buộc, dẫn tới khó giải ngân.
“Nên trích từ gói 30.000 tỷ đồng cho nhóm thu nhập trung bình vay, hoặc Nhà nước trợ cấp lãi suất cho chủ đầu tư xây dựng dạng nhà này. Đây là dạng nhà ở thương mại giá thấp, không bị giới hạn về điều kiện mua nhà, điều kiện cho thuê sau khi mua. Tôi nghĩ như vậy gói 30.000 tỷ đồng sẽ có tác động tốt cho nền kinh tế”, TS Liêm nói.
Bài và ảnh: Hoàng Dương