Trưởng đoàn đàm phán Palextin - ông Saeb Erakat - cho biết các nỗ lực của Mỹ nhằm làm trung gian cho việc nối lại các cuộc hòa đàm giữa Ixraen và Palextin đã kết thúc ngày 30/6 mà không đem lại bước đột phá nào, mặc dù Ngoại trưởng John Kerry cho biết tình hình đã "thực sự tiến triển".
Ngoại trưởng Mỹ Kerry (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Palextin Abbas tại thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 30/6. |
Ông Kerry đã dành 4 ngày cuối tuần qua để tiến hành các biện pháp ngoại giao con thoi với các nhà lãnh đạo Ixraen và Palextin nhằm lôi kéo cả hai phía quay trở lại các cuộc đàm phán trực tiếp sau gần 3 năm gián đoạn. Tuy nhiên, sau 13 giờ hội đàm với Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu và 6 giờ hội đàm với với Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas, các nỗ lực của ông Kerry đã kết thúc ngày 30/6 mà vẫn không đạt được bất kỳ tín hiệu tiến triển cụ thể nào.
Theo ông Erakat, "quan điểm của Palextin và Ixraen vẫn có nhiều khác biệt" và cho biết phía Ixraen muốn "tái khởi động đàm phán trong khi vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư". Ông cũng cho biết các đại diện Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc thảo luận sau khi Ngoại trưởng Kerry rời đi.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen Gilad Erdan khẳng định: "Ngoại trưởng Kerry đã nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình, song đến nay vẫn chưa thành công. Tuy nhiên, ông ấy đã nói rằng vẫn còn cơ hội để tiến hành các cuộc hòa đàm và có thể sẽ tìm được cách để hiện thực hóa điều này".
Ngoại trưởng Kerry cho rằng các cuộc đàm phán của ông tại Jerusalem, Amman và Ramallah - bắt đầu vào tối 27/6 - đã có tiến triển "rất tích cực". Khi được hỏi liệu hoạt động xây dựng các khu định cư của Ixraen có cản trở các nỗ lực để đạt bước đột phá trong tiến trình hòa bình hay không, ông Kerry nói: "Câu trả lời là không, tuy vẫn còn một số trở ngại song chúng tôi đang nỗ lực vượt qua các thách thức này". Ngoại trưởng Kerry cũng cam kết sẽ tiếp tục quay trở lại khu vực "bởi cả hai nhà lãnh đạo đều yêu cầu điều này", song ông từ chối đưa ra lịch trình khung cho các nỗ lực ngoại giao. Ông nói: "Chúng tôi sẽ không đề ra các thời hạn chót một cách cứng nhắc. Đó là một sai lầm lớn". Kênh truyền hình Channel 2 của Ixraen và các nguồn tin Palextin cho hay ông Kerry sẽ quay trở lại khu vực "trong vài ngày tới".
Palextin đã miêu tả cuộc gặp của ông Kerry với Tổng thống Abbas ngày 30/6 là "tích cực và sâu sắc". Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu khẳng định rằng Ixraen không cản trở quyết định quay trở lại đàm phán. Văn phòng thủ tướng Ixraen vừa đưa ra một tuyên bố dẫn lời ông Netanyahu nói: "Chúng tôi không hề đặt ra bất kỳ trở ngại nào trong việc tái khởi động các cuộc đàm phán thường xuyên về một thỏa thuận hòa bình với Palextin. Có một số điều chúng tôi sẽ nhấn mạnh tại các cuộc đàm phán này, nhất là vấn đề an ninh". Ông khẳng định bất kể thỏa thuận nào cũng sẽ được đem ra "trưng cầu dân ý" trước khi đi tới quyết định cuối cùng.
Đài phát thanh Quân sự Ixraen nói rằng ông Netanyahu đã từ chối nhượng bộ về một số vấn đề then chốt với Palextin. Tổng thống Palextin Abbas đã liên tục kêu gọi Ixraen thả tự do cho nhiều tù nhân Palextin đã bị bắt giữ trong thời gian dài, bãi bỏ bao vây trên đường phố và công khai thừa nhận đường ranh giới tồn tại trước Chiến tranh kéo dài 6 ngày năm 1967... để làm cơ sở cho các cuộc hòa đàm. Đài phát thanh quân sự cho hay ông Netanyahu chỉ có ý định cân nhắc hai điều kiện đầu tiên chừng nào các cuộc hòa đàm được chính thức tiến hành. Cho tới nay, Ixraen vẫn thẳng thừng từ chối cân nhắc việc thừa nhận đường biên giới 1967.
Kể từ khi chính thức trở thành Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 2/2013, ông Kerry đã thực hiện tổng cộng 5 chuyến công du tới khu vực. Ông cũng đã hủy bỏ chuyến thăm Abu Đabi (Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất) dự kiến diễn ra hôm 29/6 vừa qua để tập trung cho tiến trình ngoại giao con thoi nói trên. Một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên nói: "Ngoại trưởng Kerry quyết tâm tìm kiếm và cân nhắc các yếu tố cần thiết để thúc đẩy tiến trình một cách hiệu quả".
TTK