Nỗ lực giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng tại Tây Nguyên, Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) luôn thực hiện nhất quán chủ trương “Phát triển vườn cây đến đâu, tổ chức cụm dân cư đến đó”.

Hơn 33 năm thực hiện nhiệm vụ xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt chú trọng công tác tuyển dụng, sắp xếp lực lượng lao động, thực hiện các chế độ, chính sách nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng - an ninh

Được thành lập năm 1985, Binh đoàn 15 được giao các nhiệm vụ chính trị như phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng dân cư - xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, sản xuất nông nghiệp, phát triển cây cao su, cà phê, lúa nước... Đồng thời làm công tác dân vận, xây dựng chính trị cơ sở từng bước giúp vùng Tây Nguyên phát triển mạnh cả về kinh tế, văn hóa, xã hội quốc phòng - an ninh. Riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Binh đoàn 15 đã tận tình trợ giúp 22 xã của 3 huyện biên giới Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ từng bước phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Chú thích ảnh
 Một buổi huấn luyện điều lệnh của chiến sỹ Trung đoàn 710, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Binh đoàn 15 luôn xác định và thực hiện nhất quán chủ trương “Phát triển vườn cây đến đâu, tổ chức cụm dân cư đến đó”, như khai hoang trồng mới cao su, cà phê, vận động người dân nhận diện tích làm công nhân. Binh đoàn 15 luôn ưu tiên dành những vùng đất thuận lợi trong các dự án để người dân canh tác, đồng thời chủ động giúp đỡ phương tiện san ủi, hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để họ phát triển kinh tế hộ gia đình...

Tính đến nay, Binh đoàn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 17.000 lao động (trong đó có hơn 8.000 lao động là người dân tộc thiểu số), xây dựng được 9 cụm, 255 điểm dân cư tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới. Riêng tại tỉnh Gia Lai, Binh đoàn đã thực hiện đỡ đầu, đón nhận, sắp xếp ổn định được cho 10.157 hộ dân; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 12.688 lao động (trong đó có hơn 6.000 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số). Những hộ đồng bào vào làm công nhân với Binh đoàn được giao khoán vườn cây ổn định lâu dài, bình quân diện tích cao su là 1,9 ha và cà phê là 0,7 ha trở lên cho mỗi lao động. Bình quân mức thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, Binh đoàn cũng thực hiện tốt các chính sách ưu tiên cho lao động đồng bào dân tộc theo quy định như đào tạo nghề miễn phí, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Người lao động nói chung và người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn được Binh đoàn quan tâm, tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động của đơn vị, địa phương.

Từ giá trị lợi nhuận hàng năm, Binh đoàn đã đầu tư, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hơn 1.500 km đường giao thông liên thôn, xã; hơn 400 km đường điện trung thế; hàng chục hồ, đập thủy lợi; hàng trăm giếng khoan, hệ thống nước sạch, hệ thống trường học từ nhà trẻ, mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở để nuôi dạy con em công nhân và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn... Hệ thống y tế từ Binh đoàn đến bệnh xá, nhân viên quân y thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phòng bệnh, thăm khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí; đồng thời chủ động phòng chống dịch bệnh, dập dịch mới phát sinh cho các làng, xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa...

Coi trọng công tác dân vận

Với nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng dân cư, xã hội trên địa bàn Tây Nguyên, Binh đoàn 15 đặc biệt coi trọng công tác dân vận. Chính vì thế, ngay từ ngày đầu thành lập và trong suốt quá trình phát triển, Binh đoàn luôn kiên định và thực hiện tốt phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn - làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”. Tiêu biểu là hoạt động “gắn kết hộ giữa công nhân là lao động người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và có ý nghĩa về kinh tế - quốc phòng, tính văn hóa, nhân văn sâu sắc làm cho các gia đình trong cộng đồng dân cư cùng phát triển, cùng bình đẳng.

Đến nay, các công ty, đơn vị đã tổ chức kết nghĩa với 37 xã; các đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng, 3.927 hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động kết nghĩa, gắn kết được triển khai toàn diện, 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số đủ ăn, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Đây chính là cầu nối quan trọng để Binh đoàn thực hiện tốt công tác dân vận và tham gia xây dựng địa bàn vững mạnh về mọi mặt.

Thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, Binh đoàn đã chú trọng công tác huấn luyện lực lượng dự bị, động viên, lực lượng tự vệ cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức làm nòng cốt trong bảo vệ sản xuất, bảo vệ địa bàn; hàng năm hoàn thành tốt các nội dung, kế hoạch huấn luyện, tập huấn quân sự... cho các đối tượng. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, làm cho dân tin vào Quân đội, vào Binh đoàn, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nhờ đó ý thức chính trị của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn từng bước ổn định, giữ vững. Có thể nói, sự thành công mang tầm chiến lược trong chính sách định canh, định cư, công tác dân vận... của Binh đoàn 15 đã tạo nên những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền quốc gia trên tuyến vành đai biên giới ở vùng Tây Nguyên.

Chú thích ảnh
Cán bộ, Chiến sỹ Trung đoàn 710, Binh đoàn 15 giúp bà con vùng biên dựng lại nhà cửa sau cơn lũ tháng 6 vừa qua. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Kpă Thuyên khẳng định: Binh đoàn 15 đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, tổ chức thực hiện thành công các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - quốc phòng - xã hội của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Tiêu biểu là thực hiện tốt các chế độ, chính sách nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Diệu Thúy (TTXVN)
'Cơm có thịt' lần đầu đến với học sinh dân tộc thiểu số nghèo Tây Nguyên
'Cơm có thịt' lần đầu đến với học sinh dân tộc thiểu số nghèo Tây Nguyên

Trưa 1/10, trên 100 học sinh khối lớp 1, Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Ia Tul, huyện Ia Pa (Gia Lai) bắt đầu được tổ chức ăn bữa trưa tại trường, đây là chương trình “Cơm có thịt” đầu tiên trên vùng đất Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN