No ấm đã về bản người Mông

Đầu xuân đến với người dân xã Cao Minh, xã người Mông đặc biệt khó khăn của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi đã nhận thấy nhiều nét đổi thay, no ấm trên những bản làng, thôn xóm nơi đây. Đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên về kinh tế, xóa đi tình trạng đói nghèo vốn tồn tại từ nhiều năm trước.

Đồng bào các dân tộc xã Cao Minh đã biết phát triển chăn nuôi.

Xã Cao Minh có 70% dân số là dân tộc Mông, nằm giáp với huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, cách trung tâm huyện hơn 10 km nhưng đường đi lại rất khó khăn. Cách đây 10 năm, người dân xã Cao Minh luôn trong tình trạng thiếu đói, lạc hậu về mọi mặt. Toàn xã có 200 hộ dân với trên 900 nhân khẩu sống rải rác tại 8 thôn, bản, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Ông Thạch Văn Sương, Bí thư chi bộ thôn Vàng Can cho biết: “Người Mông vốn có tập quán phát nương làm rẫy, du canh du cư từ nhiều đời trước. Để ổn định cuộc sống cho bà con, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân khai hoang trồng lúa, ngô, làm lúa nước... Cùng với đó là hướng dẫn người dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như hồi, thạch đen và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó đến nay, đời sống của đồng bào Mông trong xã đã khá hơn rất nhiều. Hầu hết các hộ gia đình đã có xe máy để đi, ti vi để xem và trẻ em được đi học”.


Từ các nguồn vốn được hỗ trợ như các dự án, chương trình 134, 135, phong trào xây dựng nông thôn mới cùng với những con đường được xây mới đã khiến vùng quê nghèo khó này đang thay da đổi thịt từng ngày. Thực hiện chính sách “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhiều người dân trong xã đã đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất... để triển khai xây dựng các công trình như: Cống thoát nước, đường bê tông liên thôn phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong xã... Nhiều thôn, bản trên địa bàn xã đã có đường bê tông đến từng nhà. Giờ đây, đường vào thôn, vào bản xã Cao Minh đã dễ đi hơn rất nhiều so với năm trước. Đồng thời, việc Nhà nước đầu tư mở rộng, nâng cấp con đường ra trung tâm huyện đã tạo điều kiện cho bà con đi lại và trao đổi hàng hóa, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trong huyện.


Tuy đời sống đã có nhiều đổi thay nhưng người dân nơi đây vẫn lưu giữ được nét văn hóa, phong tục của dân tộc mình. Đặc biệt, đối với phong tục đón Tết, người Mông luôn truyền dạy lại cho con cháu, những thế hệ sau về phong tục thờ cúng tổ tiên ông bà cũng như văn hóa vui xuân. Không như nhiều dân tộc khác, người Mông không cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng chạp. Việc dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ thì nhất định phải ngày 30 Tết mới được thực hiện. Mỗi gia đình sẽ dán giấy đỏ trang trí ở bàn thờ tổ tiên, trước cửa nhà và tại các chuồng nhốt gia súc, gia cầm với ý nghĩa chia tay năm cũ, chào mừng năm mới đến.


Bà Liễu Thị Nhình, thôn Vàng Can, xã Cao Minh, huyện Tràng Định cho biết: “Tết của người Mông chúng tôi thường kéo dài trong nhiều ngày, Từ ngày mùng 1 Tết đến hết tháng giêng có rất nhiều lễ hội, trò chơi dân gian được nhiều người tham gia như thổi khèn, chơi quay, đẩy gậy, bắn cung... Mấy năm trước còn khó khăn lắm, cả thôn chung nhau mới mổ được một con lợn ăn Tết nhưng năm nay đã khá hơn rất nhiều. Nhà nào cũng có thịt lợn, thịt trâu, hộ nào cũng đủ gạo để làm bánh chưng, bánh khảo”.


Một năm mới lại đến, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Cao Minh đang nỗ lực đi lên. Khắp các bản làng, thôn xóm, những ánh lửa bập bùng trong từng nếp nhà ấm cúng như đang hiện lên những gam mầu sáng thể hiện sự phấn đấu vươn lên hướng tới một cuộc sống tươi đẹp, đầy đủ hơn.


Bài và ảnh: Hoàng Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN