Mặc dù các tỉnh vùng Tây Bắc đã giành sự quan tâm đối với HSBT nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, ngân sách địa phương còn hạn chế nên trước khi có Quyết định số 85/2010/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc hỗ trợ ở mỗi địa phương có sự khác nhau và chưa thể đáp ứng hết nhu cầu thực tế về đời sống vật chất, tinh thần của HSBT.
Từ nhu cầu thực tế
Theo Ban chỉ đạo Tây Bắc, trước khi có Quyết định số 85/QĐ-TTg, ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương chưa thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Mô hình trường phổ thông có học sinh bán trú (HSBT) dân nuôi đã hình thành do đặc thù của các tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân tán, xa trường học, xa trung tâm xã, phần lớn học sinh đều ở xa, không thể đi học và trở về trong ngày, hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn…
Mô hình trường PTDTBT đã giải quyết được những khó khăn của vùng dân tộc, đem lại hiệu quả thiết thực. Ảnh:Viết Tôn |
Có những thời điểm, ở các tỉnh miền núi, tình trạng học sinh bỏ học, học sinh đi học không chuyên cần diễn ra khá phổ biến. Để theo học, các em học sinh ở thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng lòng hồ không thể đi về trong ngày được phải ở lại trường, trọ gần trường hoặc tự làm lều, lán để ở và theo học, hàng tuần lại về nhà để lấy gạo, thực phẩm. Tên gọi trường phổ thông bán trú dân nuôi hay còn gọi là “nội trú dân nuôi” đã được hình thành và tồn tại một cách rất tự nhiên như vậy.
Theo ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, mô hình này đã giải quyết được một trong những khó khăn rất lớn của vùng dân tộc, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; đem lại hiệu quả thiết thực trong việc huy động dân số trong độ tuổi đi học tới trường; duy trì sĩ số học sinh; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, học sinh đi học không chuyên cần; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển giáo dục và đào tạo.
Bộc lộ những hạn chế
Việc ban hành Thông tư 65 hướng dẫn việc thực hiện Quyết định 85 còn chậm, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc, lúng túng cho địa phương. Việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Thông tư 65 (quy định khoảng cách từ nhà đến trường đối với học sinh) một số địa phương còn áp dụng cứng nhắc, máy móc, thiếu thực tế, gây thiệt thòi cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, hiệu trưởng các trường PTDTBT vùng Tây Bắc cho rằng, về chế độ chính sách, mức hỗ trợ tiền ăn cho HSBT theo Quyết định 85 như hiện nay bằng 40% mức lương tối thiểu chung là quá thấp. Thời gian chi trả kinh phí hỗ trợ HSBT ở nhiều nơi còn chậm, chưa kịp thời vào đầu năm học, thủ tục thanh toán cứng nhắc (cá biệt có nơi còn yêu cầu nhà trường xuất trình hóa đơn tài chính đối với mục hỗ trợ cho HSBT theo Quyết định 85 là sai với quy định)… ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của học sinh và tổ chức các hoạt động của nhà trường.
Trong khi đó, ngân sách Nhà nước mới chỉ tập trung cho mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học và trung học cơ sở; trong khi nhu cầu bán trú của học sinh THPT rất lớn lại chưa có trường THPT bán trú. Ở các tỉnh miền núi, tình trạng chung là nhiều học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không đi học tiếp ở bậc học THPT, do các em đến tuổi lao động, gia đình lại nghèo nên cần lao động để kiếm sống. Việc thực hiện kế hoạch, lộ trình xây dựng và phát triển trường PTDTBT trên địa bàn một số tỉnh chưa đạt tiến độ đề ra. Nhiều trường PTDTBT đã có quyết định thành lập nhưng còn lúng túng trong việc quản lý chỉ đạo hoạt động của trường vì trên thực tế, việc chuyển đổi mới chỉ là tên gọi, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của nhà trường chưa được đào tạo, tập huấn, chưa biết tiếng dân tộc theo yêu cầu của trường chuyên biệt (PTDTBT).
Qua khảo sát ở các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên… cho thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu và chưa đồng bộ; có nơi chưa đầu tư được phòng bán trú, học sinh vẫn phải ở các lán trại tạm bợ, ăn ở mất vệ sinh, học tập không ổn định. Có trường bố trí học sinh trong phòng ở bán trú còn quá tải do số lượng HSBT đông hơn nhiều so với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại. Nhiều học sinh phải ở trọ nhà dân dẫn đến việc quản lý, tổ chức các hoạt động tập thể còn gặp khó khăn.
Mặc dù HSBT đã được hưởng chế độ hỗ trợ song việc quản lý ăn ở và sinh hoạt của học sinh ở nhiều nơi còn gặp nhiều khó khăn vì Thông tư 65 không có định biên nhân viên cấp dưỡng, quản lý học sinh. Chất lượng giáo dục toàn diện của nhiều trường PTDTBT chưa cao, cá biệt vẫn còn tình trạng học sinh DTTS bỏ học. Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chưa được thường xuyên, công tác xã hội hóa giáo dục ở một số địa phương còn hạn chế, hiệu quả chưa cao…
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do việc ban hành Thông tư 65 hướng dẫn thực hiện Quyết định 85 còn chậm; có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, quy định về các tiêu chí xét duyệt HSBT chưa đầy đủ, chặt chẽ dẫn đến những bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Do điều kiện kinh tế - xã hội các tỉnh trong vùng Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn (toàn vùng có tới 44/63 huyện của cả nước có tỷ lệ nghèo trên 50%); thu ngân sách trên địa bàn thấp; đời sống của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao còn thiếu thốn nên việc huy động xã hội hóa giáo dục còn rất hạn chế. Trong khi đó, định biên cán bộ, nhân viên hiện tại chưa phù hợp với tính chuyên biệt của loại hình trường PTDTBT (chưa có văn bản hướng dẫn về định mức biên chế nhân viên làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, bảo vệ), dẫn đến các trường gặp khó khăn trong việc chi trả kinh phí hợp đồng nhân viên.
V.Tôn-Thu Hồng