Trong ký ức tuổi thơ tôi, tháng Chạp là khoảng thời gian cận Tết, mà ở đó là hình ảnh của những ngày nắng nhạt nhòa với từng vạt nắng chiếu rọi khi ẩn lúc hiện cùng với gió mùa đông bắc kèm theo mưa phùn lây rây chợt về mỗi sớm mai, hay những buổi chiều chạng vạng. Cánh đồng làng dịp này là một màu nâu sẫm của đất với những ruộng cày mùa đổ ải. Xa xa tít tận những chân ruộng cao phía con đê là các vạt khoai lang, ngô, đậu đỗ… với một màu xanh thẫm đang bước vào mùa thu hoạch. Một vùng quê yên bình chưa có sự xuất hiện chút bóng dáng của đà đô thị hóa với hình ảnh đặc trưng bình dị với ruộng lúa, bờ khoai cùng lũy tre làng êm ả. Bọn trẻ con chúng tôi thường có những buổi tung tăng cuốc bộ cắp sách tới trường, và một nửa buổi lùa trâu bò ra đồng chăn thả. Ở vào thời khắc tháng Chạp, bố mẹ tôi cũng như bao nhiêu người lớn trong làng thường phải lo toan hối hả với biết bao công việc để chạy đua cùng Tết, như: Thu hoạch ngô khoai, lo gieo mạ, chuẩn bị tát nước, cày bừa… để áp Tết là vào vụ cấy. Một năm thường có những trận thiên tai bất thường khiến cho mùa màng luôn trong tình cảnh thất bát và cảnh túng đói luôn đọng lại ở thời khắc cuối năm, nhất lại là bao khoản chi tiêu bắt buộc cho Tết như càng đè nặng lên đôi vai của người dân lam lũ quê tôi. Chẳng vậy mà tháng Chạp, mẹ vẫn thường cố làm mọi việc của gia đình cho nhanh xong để tranh thủ ít ngày vào thành phố làm thuê lấy tiền mua sắm áo quần cho con và lo Tết cho gia đình. Nhà nào cũng vậy, cũng luôn cắt cử một vài nhân công đi làm thuê để lo Tết như vậy. Người ta bảo: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, nên nhà ai cũng cố mà lo cho ba ngày Tết được rôm rả, có đủ đầy bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành…
Thường tháng Chạp là mây mù, giá rét, là gió mùa đông bắc, song cũng không phải là không có những thời khắc tháng Chạp trời quang, nắng vàng nhạt màu mật ong, nền trời xanh thẳm, mây trắng lững lờ, chao nghiêng cánh én từng đàn là tín hiệu một mùa xuân đẹp đẽ với bao hi vọng cho một mùa màng tốt tươi đang ở phía trước. Trong nắng sớm, màn sương mỏng chưa kịp tan đọng trên nhánh mạ non lung linh như những hạt ngọc bích. Những đám mạ non, những ruộng lúa vừa cấy bắt đầu vươn mình trong nắng và e ấp những tốt tươi để dân làng no đủ và bất kể một người dân quê nào cũng luôn cầu chúc cho mưa thuận gió hòa để mùa màng như ý và đời sống của mọi người không đói, không khổ…
Tháng Chạp ở quê hầu như nhà nhà, người người cùng rủ nhau chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Cánh đàn ông, trai tráng trong làng đắp bồi, chỉnh sửa chỗ bị nước lụt xói mòn, phá hỏng. Đoạn đường làng sạch đẹp được người qua lại khen là cả sự tự hào của người dân ở đấy. Những bờ rào giậu từng nhà được sửa sang, cắt xén, rào nẹp lại. Lối nhỏ mỗi ngày vẫn thường chui tắt qua hàng xóm bịt kín rồi, ôi ngẩn ngơ lối cũ! Tôi vẫn thường tiếc những ngọn mồng tơi xanh non vừa phất phơ, ngoe nguẩy ấy giờ bị xén bằng “đi vào nền nếp” mất rồi.
Tháng Chạp trẻ con trong làng thường được mẹ dắt đi chợ Tết. Con đường quen thuộc mỗi ngày giờ trở nên xa hơn, kỳ diệu ảo mờ. Hòa trong đoàn người đi chợ, những gương mặt thân quen hay lạ lẫm đều tươi vui, hớn hở (mà trẻ con làm sao biết được nỗi lo toan trong lòng người lớn nhất là lúc năm hết Tết đến!). Chợ Tết đông đến ngợp người và hàng hóa. Người đâu mà lắm, hàng hóa đâu mà nhiều, lời mời mọc, mặc cả như ong vỡ tổ. Trái với tâm trạng đượm chút nghĩ suy trăn trở của người lớn là phải mua gì, bao nhiêu cho đủ…, thì trẻ nhỏ luôn tươi như hoa đào khi được mua cho bộ quần áo, đôi dép mới để diện Tết.
Tháng Chạp, đêm đêm mẹ dõi theo dự báo thời tiết để đoán ngày có nắng để làm mạ, cấy cày, trồng ngô lạc, đậu và gói bánh... Mẹ chuẩn bị gạo nếp, đậu, đường, thịt lợn - nguyên liệu cho món bánh chưng ngày Tết mà háo hức, mà nóng lòng mong ngày chóng trôi qua để đêm cận kề tất niên về được ngồi trông ngồi bánh chưng luộc sôi ùng ục, và được ăn những chiếc bánh chưng nhỏ xíu được vớt ra đầu tiên mà khi gói bánh người lớn thường tận dụng chút gạo, đậu thịt thừa không thể đủ cho chiếc bánh lớn, nên dành gói cho trẻ. Tháng Chạp đồng làng ngàn năm mây trắng, nhìn khói bếp tỏa, nghe tiếng lợn eng éc ngày cuối năm nhiều hay ít cũng đoán được sự no đủ hay thất bát một năm qua. Ôi nhớ vô cùng tháng Chạp ký ức tuổi thơ tôi…
Ngoại thành những ngày tháng Chạp
Nguyễn Long