Mùa hè năm 1972, khi Mỹ tăng cường leo thang đánh phá và ném bom ở miền Bắc với ý đồ ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương cho tiền tuyến hòng khuất phục cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam để giành ưu thế trên bàn đàm phán ở Paris, trong chuyến thăm nhiều nước Đông Âu của mình, Fidel đã liên tục lên án âm mưu thâm độc của Mỹ, kêu gọi dư luận các nước lên tiếng ủng hộ Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chào Chủ tịch Fidel Castro, đứng giữa là đồng chí Trường Chinh, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Đầu tháng 6/1972, trong chuyến thăm chính thức tới Ba Lan, lãnh tụ Fidel Castro đã dành phần lớn bài diễn văn đáp từ trong buổi chiêu đãi của phía Ba Lan để vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ, kêu gọi dư luận các nước châu Âu tăng cường ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Vào thời điểm đó, khi mà ở Đông Âu người ta chỉ quan tâm đến vấn đề hòa bình và an ninh khu vực, né tránh việc lên án Mỹ, không nói gì đến những tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam thì tiếng nói đanh thép của lãnh tụ Cuba đã như tiếng sấm giữa trời quang, làm thức tỉnh lòng người.
Trong bài phát biểu của mình, Fidel nói dứt khoát: “Trong giờ phút này, đối với nhân dân Cuba chúng tôi, cũng như đông đảo dư luận quốc tế, vấn đề quan trọng nhất, vấn đề chúng tôi quan tâm nhất là tình hình Việt Nam. Ở Việt Nam người ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh tàn bạo nhất chưa từng có. Tất cả những kỹ thuật tối tân, những vũ khí chính xác, toàn bộ lực lượng không quân của một siêu cường hùng mạnh đã ập xuống Việt Nam. Sự can thiệp phi lý nhất, hành động vô nhân đạo nhất mà một quốc gia nào đó có thể phạm phải thì đó chính là những gì mà Mỹ đang làm chống lại nhân dân Việt Nam. Chúng tôi cho rằng phong trào cách mạng quốc tế, dưới bất cứ quan niệm nào cũng không thể để dân tộc Việt Nam bị tiêu diệt. Dưới bất cứ quan niệm nào, phong trào cách mạng cũng không thể cho phép diễn ra những tội ác diệt chủng như vậy đối với nhân dân Việt Nam. Việt Nam ngày nay là thử thách cao nhất đối với chủ nghĩa quốc tế vô sản và đối với những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Sau này chúng ta được biết rằng đích thân Fidel đã chỉ thị cho Đại sứ Cuba tại Ba Lan lúc đó đến tận các cơ quan đại diện của Việt Nam (bao gồm Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Phái đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại Vacxava) đề nghị cung cấp thông tin để ông chuẩn bị bài phát biểu nói trên. Trước khi rời Ba Lan, Fidel còn gặp gỡ và nói chuyện thân tình với các nhà ngoại giao hai miền Nam Bắc Việt Nam. Điều đó cho thấy tình cảm và sự quan tâm của vị lãnh tụ Cuba đối với Việt Nam là không có giới hạn và không bị ràng buộc bởi các nghi thức lễ tân. Đúng như lời nhận xét của một nhà lãnh đạo Mỹ Latinh: “Fidel là một người bạn lớn của các dân tộc đang đấu tranh vì độc lập tự do, ông luôn coi những vấn đề của các nước anh em, bè bạn như những vấn đề của chính đất nước mình, luôn sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ sự nghiệp cách mạng của nhân dân các nước một cách hào hiệp và vô tư nhất”.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đón Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm năm 1973. |
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Fidel từ 12 đến 19/9/1973 là một minh chứng hùng hồn cho nhận xét nói trên. Thời gian đó, Chủ tịch Fidel Castro dẫn đầu đoàn đại biểu Cuba dự hội nghị Các nước Không liên kết tại Algeria và từ đó đi thăm Ấn Độ và Việt Nam. Tối 11/9/1973, khi đoàn tới New Delhi thì nhận được tin tại Chile đã xảy ra cuộc đảo chính quân sự của Pinochet lật đổ Tổng thống hợp hiến Salvador Allende, một người bạn thân thiết của Cuba. Các sự kiện diễn ra ở Chile và Mỹ Latinh có liên quan chặt chẽ và ảnh hưởng trực tiếp tới Cuba, mặc dù vậy Fidel vẫn quyết định tiếp tục chuyến thăm Việt Nam dù phải tính đến việc rút ngắn chương trình so với kế hoạch ban đầu.
Tuy tình hình hết sức khẩn trương như vậy, và khi đến Việt Nam lại xuất hiện vấn đề thời tiết có thể gây khó khăn cho việc di chuyển từ Hà Nội vào Quảng Bình bằng máy bay để thăm vùng giải phóng ở Quảng Trị như dự kiến, nhưng Fidel vẫn kiên quyết nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam lúc đó: “Chúng tôi đến đây là để bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam đang chiến đấu, bất kể trong hoàn cảnh nào phái đoàn Cuba cũng sẽ đi thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam”. Theo nhật ký hành trình do người trợ lý của Fidel lúc đó là Tiến sĩ Jose Miyar Barruecos ghi lại thì trong chuyến đi đó, Fidel đã trực tiếp nghe báo cáo, thảo luận và quyết định ngay tại chỗ nhiều khoản viện trợ và giúp đỡ Việt Nam trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước.
Hình ảnh Fidel, vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới hiên ngang sải bước trên con đường mới được giải phóng ở Quảng Trị và phất cao lá cờ bách chiến bách thắng của Quân giải phóng miền Nam tại cuộc mit tinh ở căn cứ 241 gần Dốc Miếu, Đông Hà đã khắc sâu trong trí nhớ của nhiều thế hệ người Việt Nam. Những lời nói xúc động lòng người của Fidel dịp đó tại Quảng Trị, Quảng Bình và thủ đô Hà Nội luôn là niềm khích lệ to lớn đối với quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước.
40 năm đã trôi qua, sau chuyến thăm lịch sử đầu tiên ấy tới miền Bắc Việt Nam và vùng giải phóng miền Nam ở tỉnh Quảng trị, lãnh tụ Cuba Fidel Castro còn thăm lại Việt Nam hai lần vào các năm 1995 và 2003. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ với tình nghĩa sâu nặng và lòng biết ơn vô hạn đối với người con vĩ đại của Tổ quốc Cuba, người kế tục sự nghiệp và tinh thần quốc tế cao cả của Jose Marti, anh hùng dân tộc Cuba, người từng để lại câu nói nổi tiếng đã trở thành châm ngôn trong kho tàng văn hóa của đất nước: “Tôn vinh người, ta được niềm vinh dự” (Jose Marti: Honrar, honra).
Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)