Những giáo viên trẻ đam mê khoa học

Nhiều sáng kiến trong quá trình nghiên cứu khoa học của những giáo viên trẻ đã giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí trong sản xuất, chăn nuôi, thậm chí giúp doanh nghiệp thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.


Gắn bó với người nông dân


Tuy chỉ mới 29 tuổi nhưng thạc sỹ Nguyễn Ngọc Minh Tuấn, Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao, góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ bà con nông dân thay đổi tập quán và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống thu nhập.

 

Thày Tuấn luôn truyền lửa cho sinh viên sự say mê với ngành nông nghiệp.


Tháng 6/2008, thầy giáo Tuấn về trường Đại học Hùng Vương công tác và trở thành giảng viên trẻ của Khoa Nông - Lâm - Ngư. Trong bài giảng về các môn như Chăn nuôi cơ bản, Chăn nuôi lợn, Thú y cơ bản… thầy giáo Tuấn không chỉ truyền cho sinh viên vốn kiến thức mà còn là tình yêu và sự say mê với ngành nông nghiệp.


Thầy Tuấn tâm sự: "Tôi luôn trăn trở là bằng cách nào đó, phải giúp người nông dân tiết kiệm được công sức, chi phí để tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng, có giá trị kinh tế cao".


Đề tài “Nghiên cứu vai trò của vi khuẩn Clostridium perfringens trong bệnh tiêu chảy lợn con tại Phú Thọ và biện pháp phòng trị” là đề tài đầu tiên mà thầy Tuấn nghiên cứu và đã được đánh giá cao tại tỉnh Phú Thọ. Không dừng lại ở đó, năm 2009, thầy giáo Tuấn bắt đầu tiến hành đề tài “Nghiên cứu xây dụng mô hình chăn nuôi gà Ai Cập thả vườn hướng trứng nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi của người nông dân thị xã Phú Thọ, để nâng cao hiệu quả kinh tế và an toàn dịch bệnh”. Trong quá trình thí điểm, nghiên cứu của thầy Tuấn đã hỗ trợ gần 100 hộ nông dân tại xã Văn Lung (thị xã Phú Thọ) về giống và quy trình kỹ thuật. Sau 6 tháng áp dụng vào thực tế, giống gà Ai Cập thả vườn theo nghiên cứu của thầy Tuấn đã cho năng suất, chất lượng thịt cao hơn hẳn so với giống gà nội vốn hay bị dịch bệnh mà bà con nông dân Phú Thọ vẫn chăn nuôi.


Đặc biệt, với đề tài "Nghiên cứu phương pháp ủ chua thân cây sắn làm nguồn thức ăn mới bổ dưỡng dự trữ vào mùa đông cho bò", thầy Tuấn đã đạt giải Nhất công trình dự thi “Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Thọ” năm 2011 và giải Khuyến khích công trình dự thi “Giải thưởng sáng tạo Vifotec Việt Nam và nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2010”. Thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Minh Tuấn là một trong những tài năng khoa học trẻ đã được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên “Quả Cầu Vàng” năm 2012 .


“Với khoa học cần phải có sự kiên trì và đam mê mới có thể thành công được”, thầy Tuấn bộc bạch.


Có tính thực tiễn cao


Năm 2002, tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, Phan Thị Mai Hương trở về quê hương lập nghiệp và công tác tại Công ty Cổ phần Dược Phú Thọ, thuộc trường Cao đẳng Dược Phú Thọ. Với sức trẻ và niềm say mê nghiên cứu khoa học, Mai Hương tích cực tham gia các phong trào do đơn vị, ngành tổ chức. Sau 4 năm, cô được Ban giám hiệu trường Cao đẳng Dược Phú Thọ và đồng nghiệp tín nhiệm đề bạt làm Trưởng phòng Đào tạo.


Từ năm 2007 đến nay, cô giáo Mai Hương đã nghiên cứu nhiều đề tài khoa học có tính thực tiễn cao. Điển hình như đề tài “Nghiên cứu tinh chế tinh bột ngô thực phẩm thành tinh bột ngô dược dụng theo tiêu chuẩn dược điển”. Đề tài này được ứng dụng trong ngành công nghiệp Dược để làm tá dược trong sản xuất thuốc viên nén, viên bao. Việc áp dụng hiệu quả đề tài này đã làm lợi hàng tỷ đồng, giúp cho Công ty CP Dược Phú Thọ không phải mua tá dược để sản xuất thuốc, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, thực hành tại xưởng sản xuất của trường. Ngoài ra, đề tài: “Nghiên cứu sản xuất thuốc Hoàn bổ thận âm” và “Nghiên cứu sản xuất chè đắng” của Mai Hương đã được Bộ Y tế cấp số đăng kí và được chuyển giao công nghệ cho Công ty CP Dược Phú Thọ sản xuất ở quy mô công nghiệp.


Với những nỗ lực đó, cô giáo Mai Hương đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng sáng tạo năm 2012 và Bằng khen trong phong trào lao động sáng tạo giai đoạn 2007 - 2012. Tháng 3 vừa qua, cô giáo Phan Thị Mai Hương đã được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Dược Phú Thọ, khi mới 34 tuổi.


Những công việc thầm lặng của thầy Tuấn, cô Hương như ngọn lửa giữ ấm và thắp sáng niềm tin cho những học sinh thân yêu.


Bài và ảnh: Vũ Bắc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN