Bão, lốc ở Mỹ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 5 người, làm bị thương hàng chục người ở khu vực miền Nam nước này cuối tuần qua. Hiện ít nhất 8 người vẫn đang mất tích.Theo giới chức địa phương, thị trấn Van ở Đông Bắc bang Texas là khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất. Gần 1/3 thị trấn, với khoảng 100 ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn do lỗ xoáy. Cây cối và đường dây diện đều bị đổ và đứt do gió mạnh và mưa lớn. Bão lốc đã khiến một đôi vợ chồng thiệt mạng, 43 người phải nhập viện và 8 người khác vẫn đang mất tích, làm gia tăng nguy cơ số người thiệt mạng sẽ tăng. Hiện các lực lượng cứu hộ và an ninh đang phải kiểm tra từng nhà để tìm người bị thương; Hội chữ thập đỏ Mỹ cũng đã tới khu vực giúp thiết lập khu vực ở tạm. Trường học tại đây cũng đã phải đóng cửa.
Bão lốc khiến cây đổ, đường dây điện bị đứt. Ảnh: USA Today
|
Cách đó 290 km tại Nashville, Arkansas, cũng ghi nhận một trường hợp hai vợ chồng thiệt mạng do bão mạnh phá tan ngôi nhà di động của họ, tuy nhiên, con của họ vẫn may mắn sống sót. Một trường hợp đuối nước được báo cáo tại thị trấn Corsicana, cách Van 96 km về phía Tây Nam.
Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cảnh báo thời tiết khắc nghiệt có thể xảy ra trong vài ngày tới với bão kèm theo sấm chớp và mưa lớn khắp khu vực từ Texas đến Thung lũng Mississippi. Hai bang Texas và Arkansas vẫn đang trong tình trạng cảnh báo lũ quét.
Trước đó, lốc xoáy đã cướp đi sinh mạng của 1 người ở Van Zandt, Texas và phá hủy ít nhất 20 tòa nhà ở bang Nam Dakota.
Chile nới lỏng lệnh giới nghiêm quanh núi lửa Calbuco Tại Chile, ngày 11/5, người dân sống trong vòng bán kính 20 km xung quanh núi lửa Calbuco đã được ra vào khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, các cơ quan chức năng đã nới lỏng lệnh giới nghiêm được ban hành hôm 8/5 trước nguy cơ trời mưa lớn tại khu vực có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người dân khi nước sông dâng cao kéo theo tro bụi từ trên núi xuống có thể gây lở đất.
Tỉnh trưởng vùng Los Lagos Nofal Abud cho biết vẫn tiếp tục theo dõi tình hình, tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại các cơn mưa chưa gây lụt lội. Hiện lực lượng quân đội cùng với người dân đang tập trung dọn dẹp tro bụi trên các tuyến đường giao thông chính, các cây cầu, hệ thống cống cũng như các khu nhà ở các trung tâm đô thị. Đi lại tại khu vực đã được khai thông. Các chuyến bay quốc tế đi và đến đã được thiết lập.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Argentina, người dân tỉnh miền tây nam Neuquen, giáp ranh với biên giới Chile đã thu dọn được khoảng 38.000 m3 tro bụi từ núi lửa Calbuco bay sang. Các thành phố Junín de los Andes và San Martín de los Andes bị ảnh hưởng nhiều nhất của tro bụi.
Các nhà chức trách cho biết nếu núi lửa không hoạt động mạnh trở lại, phải mất 3 tuần nữa mới có thể dọn sạch tro bụi từ ba đợt phun nham thạch kể từ khi Calbuco thức giấc hôm 22/4. Đợt phun trào mạnh nhất, núi lửa Calbuco đã phun tới 210 triệu m3 nham thạch với cột khói bụi hình nấm cao tới 17 km. Cảnh sát và quân đội đã được huy động để tham gia làm sạch đường phố. Trước đó, các trường học và sân bay đã phải đóng cửa.
Lần cuối cùng Calbuco hoạt động là vào năm 1972, trong khi lần phun trào mạnh cuối cùng của núi lửa này là hồi năm 1961.
TTXVN/Tin Tức