Nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán năm 2014

Theo dự báo của các chuyên gia chứng khoán, năm 2014, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ khởi sắc do năm nay có rất nhiều doanh nghiệp lên sàn, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, được thị trường trông đợi từ lâu. Bên cạnh đó, chính sách nới “room” cho nhà đầu tư (NĐT) ngoại cũng sẽ được thực hiện.


“Hàng hóa” dồi dào


Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (Hose), năm 2014 Chính phủ sẽ quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa. Theo đó, hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Đối với IPO, ngành giao thông vận tải sẽ có 11 tổng công ty phải cổ phần hóa trong năm 2014 gồm: Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8, Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), Vận tải thủy, Tư vấn thiết kế giao thông vận tải và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Trong số 11 tổng công ty này, được nhà đầu tư trong và ngoài nước chào đón nhiều nhất là cổ phiếu của Vietnam Airlines và Vinamotor.

 

Giao dịch chứng khoán tại sàn Maybank KIM ENG (TP Hồ Chí Minh).Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Bên cạnh ngành giao thông, ngành ngân hàng cũng có nhiều cổ phiếu được NĐT trông đợi. Bà Trần Thị Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HOSE, cho biết Sở này đang tập trung xem xét, giải quyết hồ sơ niêm yết đối với các doanh nghiệp đã nộp trong năm 2013 và có kế hoạch niêm yết trong năm nay. Cụ thể, BIDV đã nộp hồ sơ từ năm 2012, sau vài lần trì hoãn, hiện BIDV và HOSE đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để đưa cổ phiếu vào niêm yết trong quý I/2014, sớm nhất có thể trước Tết Âm lịch.


Cổ phiếu của ngành may mặc dự kiến cũng thu hút các NĐT, đặc biệt là các NĐT nước ngoài. Bởi trong năm 2014, các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ mạnh hơn năm trước sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Và khi Hiệp định này có hiệu lực, dự kiến ngành dệt may sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD vào năm 2020 và 55 tỷ USD vào năm 2030.

Tính đến cuối năm 2013, thị trường chứng khoán đã có hơn 700 doanh nghiệp niêm yết, nhưng mức vốn hóa lại thấp nhất khu vực châu Á, chủ yếu do có nhiều hàng hóa nhỏ, chất lượng thấp. Với thông tin sẽ có lượng hàng hóa “khủng” sẽ lên sàn trong năm 2014, rất nhiều NĐT chờ đợi và sẵn sàng đổ tiền vào những hàng hóa lớn có chất lượng cao.


Ngoài nguồn hàng IPO, trong năm 2014, một lượng hàng “khủng” khác đang được niêm yết sẽ được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến tung ra thị trường. Theo Đề án tái cơ cấu SCIC đến năm 2015, chỉ trong năm nay và năm tới, số lượng doanh nghiệp mà SCIC sẽ thoái vốn lên tới 376 doanh nghiệp. Theo thống kê của Nhóm công tác thị trường vốn (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam) công bố ngày 3/12/2013, tổng giá thị trường của phần vốn nhà nước (đang được SCIC nắm giữ) tại 11 công ty trong nhóm 20 công ty lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán TP Hồ Chí Minh (theo tiêu chí vốn hóa) là 14,8 tỷ USD, chiếm 38% vốn hóa của cả sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Do đó, việc SCIC thoái vốn hóa một phần các DN này giúp NĐT có thêm cơ hội lựa chọn.


Khởi sắc nhờ vốn ngoại


Theo nhận định của chuyên gia, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2014 có thêm lượng hàng hóa lớn nhưng vì quy mô TTCK vẫn nhỏ so với GDP nên vẫn không đáng lo ngại. Nếu có hàng hóa hấp dẫn, khối tư nhân và khối ngoại vẫn đủ khả năng hấp thụ hết, đặc biệt là khối ngoại.
Có thể thấy, trong suốt năm 2013, khối ngoại đã bỏ vào TTCK Việt Nam số tiền lên tới 7.667 tỷ đồng (365 triệu USD). Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân gần 6.330 tỷ đồng trên sàn HSX và 1.337 tỷ đồng trên sàn HNX, nâng tổng số lượng cổ phiếu được mua ròng lên tới hơn 220 triệu đơn vị. Theo đó, tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển trong năm 2013 vẫn tăng 54% và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012.


Điều này cho thấy, NĐT ngoại đã thấy được tiềm năng của TTCK Việt Nam và kiên trì bám sàn. Không những thế, lượng NĐT ngoại tham gia TTCK Việt Nam cũng tăng lên đáng kể. Thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) năm 2013 cho thấy, số lượng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã tăng 10% với 728 NĐT nước ngoài được cấp mã số mới, nâng tổng số NĐT nước ngoài hiện có lên đến 16.677 NĐT. Trong đó, có 2.243 NĐT là tổ chức và 14.434 là cá nhân.


Trong năm 2014, tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài đang được sửa đổi theo hướng tăng lên cùng với việc thị trường có thêm các sản phẩm mới sẽ thu hút thêm NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam.


Dù vậy, nhiều chuyên gia tài chính lo ngại, dòng vốn ngoại sẽ thâu tóm tài sản rẻ thông qua việc mua gom cổ phần của các công ty trong nước đang nắm nhiều lợi thế về tài sản, đất đai để thực hiện M&A. NĐT nước ngoài cũng sẽ lựa chọn rất kỹ đối tác để đảm bảo sinh lời do hiện nay giá trị thị trường của các công ty Việt Nam rẻ hơn trong khu vực. Với tầm nhìn 5 - 7 năm, cơ hội để các quỹ ngoại tối ưu hóa lợi nhuận khi kinh tế Việt Nam thực sự phục hồi là khá lớn.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN