Ngày 16/9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết chính phủ nước này đã thúc giục giới chức Trung Quốc tiến hành các biện pháp ngăn chặn bạo lực nhằm vào các công dân và doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc. Phát biểu trong chương trình truyền hình Fuji Television Network, Thủ tướng Noda khẳng định, Tôkyô sẽ tiếp tục kiềm chế và yêu cầu phía Trung Quốc hành động tương tự.
Người biểu tình Trung Quốc đập phá một nhà hàng Nhật Bản ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô ngày 15/9. |
Yêu cầu trên của Thủ tướng Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh nổ ra làn sóng biểu tình chống Nhật Bản tại Trung Quốc, liên quan đến tranh chấp giữa hai nước về chủ quyền quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Theo các nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Noda dự kiến sẽ đưa vấn đề lãnh thổ vào bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng này. Do một trong những chủ đề chính của ĐHĐ LHQ năm nay là pháp chế, ông Noda sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết khúc mắc giữa các nước dựa trên luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, làn sóng biểu tình chống Nhật Bản tại Trung Quốc đã bước sang ngày thứ hai và tiếp tục lan rộng.
Theo Tân Hoa xã, sáng 16/9, hơn 10.000 người ở thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông đã tuần hành trên các đường phố trước khi tập trung trước trụ sở của Lãnh sự quán Nhật Bản. Chính quyền Quảng Châu đã cử lực lượng an ninh bảo vệ an ninh cho Lãnh sự quán Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn. Tại thủ phủ Hải Khẩu của tỉnh Hải Nam cũng diễn ra cuộc biểu tình chống Nhật Bản của 4.000 người, dưới sự giám sát của 2.600 nhân viên cảnh sát. Ngoài ra, các cuộc biểu tình chống Nhật còn diễn ra tại các thành phố Hạ Môn, Hàng Châu, Cáp Nhĩ Tân, Nam Ninh, Thanh Thành, Trường Xuân và Vũ Hán.
Tân Hoa xã khẳng định, phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra hòa bình, lực lượng an ninh đã duy trì được trật tự tại hầu hết các khu vực có biểu tình và chỉ xảy ra một số ít vụ cướp phá tài sản của người Nhật.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo của Nhật Bản cùng ngày đưa tin, làn sóng biểu tình chống Nhật đã lan ra 85 thành phố ở Trung Quốc. Tại thủ đô Bắc Kinh đã có ít nhất 2.000 người tụ tập trước Đại sứ quán Nhật Bản. Một số đối tượng quá khích đã ném đá, chai lọ và tìm cách xông vào tòa nhà buộc cảnh sát chống bạo động Trung Quốc phải ngăn cản. Ở nhiều nơi, một số công ty Nhật Bản bị người biểu tình quá khích xông vào đập phá.
Kyodo dẫn kênh truyền hình TVB ở Hồng Công (Trung Quốc) cho biết, tại thành phố Thâm Quyến, hơn 10.000 người biểu tình đã đụng độ với lực lượng an ninh khi bị ngăn cản tấn công một cửa hàng bách hóa của người Nhật.
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cũng cho biết, tại 5 thành phố ở Trung Quốc đã xảy ra tình trạng người biểu tình cướp phá cửa hàng và tấn công ô tô của người Nhật. Trước đó một ngày, tại thành phố Thanh Đảo, người biểu tình đã tấn công khoảng một chục nhà máy do người Nhật làm chủ. Lãnh đạo nhà máy của Panasonic ở thành phố này đã buộc phải quyết định ngừng hoạt động cho đến ngày 18/9.
Ngoại trưởng Koichiro Gemba và các quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản hôm 15/9 đã đề nghị chính phủ Trung Quốc đảm bảo an toàn cho các công dân Nhật Bản đang lưu trú tại quốc gia này. Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến cáo công dân nước này tại Trung Quốc đề cao cảnh giác.
Căng thẳng trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã leo thang mạnh mẽ trong những ngày vừa qua. Sau khi chính phủ Nhật Bản ký hợp đồng với chủ sở hữu tư nhân để quốc hữu hóa ba trong số năm đảo thuộc quần đảo này, sáu tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo mà theo Bắc Kinh là để “bắt đầu tuần tra và thực thi luật pháp, chứng tỏ quyền tài phán của Trung Quốc” đối với các đảo trên. Nhật Bản đã lập tức triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản đến để phản đối việc tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.
Minh Sơn (P/v TTXVN tại Nhật Bản) - M.H