Nhật Bản thông qua chiến lược an ninh mới

Nhật Bản ngày 17/12 đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới và kế hoạch quốc phòng sửa đổi, nhằm tăng cường phòng vệ chống lại những hành động gây hấn bên ngoài. Chiến lược an ninh này xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc hồi tháng 11 vừa qua đã đơn phương tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông gây tranh cãi.

Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản triển khai hệ thống tên lửa Patriot ở thủ đô Tokyo.


Chiến lược an ninh mới nhận định: Việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự và hải quân ở vùng biển Hoa Đông đặt ra mối nguy cơ tiềm tàng có thể làm nảy sinh vấn đề. Do đó, trong chiến lược được nội các thông qua này, chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường vai trò an ninh chủ động của Lực lượng phòng vệ ở nước ngoài, đồng thời thiết lập hướng dẫn mới về xuất khẩu vũ khí. Thủ tướng Shinzo Abe nhận định: Bằng sự rõ ràng và minh bạch, chiến lược mới thể hiện chính sách an ninh và ngoại giao của Nhật Bản đối với cả bên trong và bên ngoài nước.


Đây được coi là một bước chuyển lớn so với chính sách an ninh có phần hạn chế trước kia của Nhật Bản. Năm 1967, Nhật Bản đã thông qua ba nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí, theo đó cấm bán vũ khí cho các quốc gia cộng sản, quốc gia bị Liên hợp quốc cấm vận và quốc gia liên quan đến xung đột quốc tế. Còn theo bản hướng dẫn mới, Nhật Bản đã rà soát lại ba nguyên tắc này, đồng thời sẽ hướng tới cùng tham gia sản xuất và phát triển vũ khí quốc phòng với các nước khác nhằm giúp tăng trưởng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.


Liên quan đến việc Trung Quốc lập ADIZ bao trùm cả quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, chiến lược an ninh mới ghi rõ Nhật Bản sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, xử lý vấn đề bình tĩnh và kiên quyết để tránh gia tăng căng thẳng. Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề một cách hòa bình.


Trong khi đó, kế hoạch quốc phòng sửa đổi được xây dựng dựa trên chiến lược an ninh quốc gia nói trên. Kế hoạch này phản ánh mục tiêu của Thủ tướng Abe là tăng cường sức mạnh cho quân đội Nhật Bản cả về số lượng và chất lượng để có thể đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.


Theo đó, trong giai đoạn 2014 - 2019, Nhật Bản sẽ mua 3 máy không người lái, 2 tàu khu trục lớp Aegis, 17 máy bay Osprey và nhiều thiết bị khác. Các loại vũ khí mới này sẽ tiêu tốn khoảng 247 tỷ USD, tăng 5% so với ngân sách trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản tăng ngân sách dành cho quốc phòng sau 2 năm liên tiếp cắt giảm.


Binh sĩ Nhật Bản cũng sẽ không triển khai ở khu vực phía bắc nữa mà sẽ chuyển sang các hòn đảo hẻo lánh ở vùng tây nam, từ đó thành lập một đơn vị “lưỡng cư” đầu tiên, tương tự lực lượng hải quân Mỹ. Đơn vị này là một bộ phận của lực lượng phòng vệ mặt đất, có nhiệm vụ phản ứng nhanh trong trường hợp các hòn đảo bị nước ngoài xâm phạm. Nhật Bản còn dự định triển khai hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống phòng vệ chống tên lửa và tàu ngầm để tăng cường thông tin tình báo trong khu vực.


Theo các chuyên gia, chiến lược an ninh mới và kế hoạch quốc phòng sửa đổi phù hợp với chuyển biến về sức mạnh của Nhật Bản trong vài năm qua.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN