Một nhà thầu ký hợp đồng và đã hoàn tất việc cung cấp thiết bị cho gói thầu. Tuy nhiên, khi thanh tra, kiểm tra thì thiết bị cung cấp có cấu hình cao hơn hợp đồng nhưng khác xuất xứ so với hợp đồng. Trong khi đó, biên bản nghiệm thu thì giống các thông số và xuất xứ của thiết bị được ghi trong hợp đồng đã ký giữa nhà thầu và chủ đầu tư.
Việc thay đổi cấu hình và xuất xứ không có biên bản hay giấy tờ chứng minh việc được chủ đầu tư chấp nhận hay được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bạn đọc hỏi, trường hợp nêu trên có vi phạm Luật Đấu thầu không? Nhà thầu sai hay chủ đầu tư sai? Trường hợp nhà thầu sai thì chủ đầu tư hay đơn vị tư vấn liên đới trách nhiệm như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Khoản 3, Điều 63 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định, khi có sự thay đổi các nội dung thuộc phạm vi của hợp đồng, các bên phải ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng.
Theo đó, trường hợp nhà thầu thay đổi xuất xứ của hàng hóa cung cấp cho gói thầu thì chủ đầu tư phải xem xét, đánh giá hàng hóa này có đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu hay không, chất lượng và giá… thay đổi thế nào so hàng hóa mà nhà thầu đã đề xuất trước đó để xác định có chấp nhận hay không sự thay đổi xuất xứ.
Việc nhà thầu cung cấp hàng hóa có xuất xứ khác với quy định trong hợp đồng và được chủ đầu tư chấp thuận mà không cân nhắc các yếu tố nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật đấu thầu.