Nghiệp đoàn phi công của hãng hàng không Pháp Air France (SNPL) ngày 28/9 đã tuyên bố chấm dứt cuộc đình công dài nhất trong lịch sử hãng này, nhằm tạo điều kiện cho cuộc đàm phán giữa ban lãnh đạo hãng và nghiệp đoàn về kế hoạch phát triển hãng hàng không giá rẻ Transavia.
Sân bay Marseille Provence tại Marignane, phía nam Pháp, thông báo hủy chuyến ngày 26/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngay sau khi nghiệp đoàn phi công thông báo chấm dứt cuộc đình công, Thủ tướng Pháp Manuel Valls kêu gọi tất cả các bên "lấy lại lòng tin của mọi người và lại tiếp tục sự phát triển của Air France cũng như công ty con Transavia".
Chính phủ Pháp giữ 16% cổ phần trong Air France-KLM, công ty hàng không lớn thứ 2 châu Âu sau Lufthansa của Đức. Giá cổ phiếu của Air France đã giảm gần 15% kể từ khi cuộc đình công bắt đầu và đã gây lo ngại khắp châu Âu.
Một tuyên bố chung của các nghiệp đoàn hàng không gồm cả các đại diện các công ty du lịch cảnh báo cuộc đình công "là thảm họa đối với ngành hàng không Pháp trong bối cảnh kinh tế ảm đạm".
Cuộc đình công đã làm thiệt hại cho Air France hơn 200 triệu euro trong 2 tuần qua. Một nửa số chuyến bay của Air France không cất cánh được và gây thiệt hại cho công ty từ 15 đến 20 triệu euro mỗi ngày. Hàng nghìn hành khách phải hủy kế hoạch bay.
Air France đã thực hiện một kế hoạch tái cơ cấu đầy tham vọng nhằm cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.
Air France coi sự phát triển của Transavia là rất quan trọng trong cuộc chiến giành thị phần trong khu vực tầm trung cạnh tranh khốc liệt đang được các công ty hàng không giá rẻ như easyJet và Ryanair nắm giữ chắc chắn. Tuy nhiên các phi công của Air France, hiện có thu nhập 250.000 euro/năm, lo ngại số chuyến bay của họ bị cắt giảm để thay thế bằng các dịch vụ do Transavia điều hành, hoặc có thể bị cắt hợp đồng do sự mở rộng của công ty con này, nên đã đòi hủy bỏ kế hoạch trên.
Giữa tuần vừa qua, lãnh đạo Air France tuyên bố sẵn sàng thu hồi dự án phát triển hãng hàng không giá rẻ Transavia trên thị trường châu lục, dù vẫn theo đuổi việc phát triển hàng không giá rẻ ở thị trường trong nước. Đây được xem là một nhượng bộ của hãng nhằm thuyết phục nghiệp đoàn phi công chấm dứt cuộc đình công.
TTXVN/ Tin Tức