Thành tích “đáng nể”
Thời gian qua, nhờ chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp Nhà nước về “Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (chương trình KC.10), rất nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực y, dược đã thành công.
Trong số đó, có thể kể đến kỹ thuật mổ nội soi điều trị bệnh tuyến giáp qua đường ngực và nách, thay vì mổ ở cổ, gây sẹo như trước đây, của Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Kỹ thuật này là kết quả đề tài nghiên cứu KC.10.08, do PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương làm chủ nhiệm, đã đưa Việt Nam trở thành nước có trình độ phẫu thuật hàng đầu khu vực. Hiện nay, quy trình này không những đã được chuyển giao xuống các bệnh viện tuyến cơ sở mà còn được rất nhiều chuyên gia nước ngoài đến học hỏi. PGS.TS Trần Ngọc Lương cho biết: “Đề tài này được hoàn thành và nghiệm thu năm 2014, đến nay, đã có gần 300 giáo sư, bác sĩ nổi tiếng ở Singapore, Bồ Đào Nha… sang nước ta để học hỏi, một số nước cũng đang đăng ký để sang học kỹ thuật này vào thời gian tới”.
Ghép tạng là một thành tựu xuất sắc của y học Việt Nam. Ảnh: chương trình KC.10 |
Việc nghiên cứu, sản xuất thành công vắcxin Rota trong khuôn khổ chương trình, cũng đã giúp Việt Nam trở thành một trong 4 nước trên thế giới sản xuất thành công vắcxin này, được đánh giá là đất nước có ngành vắcxin không thua kém các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Vắcxin Rota do Việt Nam sản xuất đã được Trung tâm Kiểm soát và phòng dịch Hoa Kỳ (CDC) kiểm định tính an toàn và hiệu lực. Đặc biệt, có giá thành chỉ bằng 1/3 giá vắcxin nhập ngoại, được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng và có thể xuất khẩu.
Những thành tích đáng nể trên là kết quả xứng đáng của sự đầu tư về KHCN trong phát triển y, dược; giúp cho y tế trở thành lĩnh vực khiến cả thế giới biết đến của nền khoa học Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, chương trình KC.10 là chương trình thành công nhất trong các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước mà Bộ KH&CN đang triển khai, nhờ đó, đã mang lại rất những bước tiến dài trong ngành khoa học y, dược.
GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm chương trình KC.10/11- 15 cho biết: “Trong giai đoạn 2011- 2015, chương trình đã nghiệm thu 55 nhiệm vụ nghiên cứu thành công trong lĩnh vực y, dược. Về y học, thành tựu của chương trình là đã làm chủ một số kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật ghép tạng, phẫu thuật nội soi, can thiệp mạch, y học hạt nhân… Về dược học, đã ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến sản xuất một số thuốc hóa dược và thuốc từ dược liệu có chất lượng cao. Đặc biệt, chúng ta rất tự hào khi đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng, là kỹ thuật chỉ thực hiện được ở một nước có nền y học tiên tiến. Trước đây, các bác sỹ, nhà khoa học của Việt Nam đã sớm tiếp cận được với kỹ thuật ghép tạng nhưng vẫn còn lạc hậu so với thế giới vì chưa ghép được phổi, tụy, chưa lấy được tạng từ người cho chết não, tim ngừng đập và chưa ghép được đa tạng. Nhờ đầu tư cho chương trình KC.10/11-15, Việt Nam đã theo kịp thế giới về lĩnh vực này”.
Mạnh tay đầu tư
Tuy đã đạt được những thành công rất lớn, nhưng theo các nhà khoa học, hiện nay ngân sách chi cho hoạt động nghiên cứu KH&CN y, dược vẫn còn hạn chế, điều kiện làm việc và nghiên cứu của các nhà khoa học cũng còn nhiều khó khăn. Theo các nhà khoa học, các chương trình cho nghiên cứu khoa học về y, dược cần được đầu tư mạnh tay hơn nữa để có thể thúc đẩy và phát huy khả năng tiếp thu, nghiên cứu, sáng tạo, giúp khoa học y, dược của Việt Nam ngày càng có điều kiện tiếp cận được các công nghệ, kỹ thuật phức tạp, tiên tiến trên thế giới, góp phần tích cực vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, trong giai đoạn tới, “Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” sẽ tiếp tục được đầu tư và cơ cấu lại cho phù hợp hơn. Cụ thể, Bộ KH&CN đang phối hợp với các chuyên gia đầu ngành và Bộ Y tế để xác định khung nghiên cứu cho giai đoạn 2016 - 2020.
Cũng theo ông Tạc, trong giai đoạn tới, kinh phí và quy mô của các nhiệm vụ nghiên cứu dự kiến sẽ lớn hơn để đáp ứng thực tế sự phát triển của y, dược và nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Bên cạnh đó, cũng sẽ quan tâm đầu tư đúng mức để nâng cao trình độ khoa học, đẳng cấp cho lực lượng bác sỹ, giáo sư đầu ngành để người dân có thể khám, chữa bệnh trong nước mà không phải bỏ rất nhiều tiền để ra nước ngoài chữa bệnh.