Ghép tạng đóng góp tích cực vào tiến bộ của y học Việt Nam

Ngày 23/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị khoa học lần thứ VI thận – tiết niệu, lọc máu và ghép tạng trẻ em Việt Nam nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm lọc máu trẻ em và ca ghép thận trẻ em đầu tiên ở Việt Nam (26/5/2004-26/5/2014).

Việt Nam đã thực hiện nhiều ca ghép tạng thành công. Ảnh: SGGP



Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Ghép tạng ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhiều kỹ thuật mới về ghép tạng đã được thực hiện, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự tiến bộ của y học trong nước. Trong lĩnh vực nhi khoa, việc thành lập Trung tâm lọc máu trẻ em và ca ghép thận trẻ em đầu tiên ở Việt Nam cách đây 10 năm đã tạo tiền đề cho các hoạt động kỹ thuật cao hiện nay tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ tại bệnh viện đã làm chủ được kỹ thuật, làm thành thạo và chuyển giao được các kỹ thuật này cho nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trên cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến yêu cầu, thông qua hội nghị này, các y bác sĩ xem xét, đánh giá hiệu quả của những kỹ thuật đã áp dụng, đồng thời đề xuất giải pháp để đưa thêm nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới áp dụng vào Việt Nam một cách nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tăng cường phổ biến kiến thức khoa học cho cộng đồng để mọi người nhận biết, phát hiện sớm các bệnh về thận – tiết niệu nhằm điều trị kịp thời, giảm dần số lượng bệnh nhân cần được ghép thận.

Không chỉ vậy, để việc khám chữa bệnh đạt hiệu quả, sự phối kết hợp chặt chẽ của các chuyên ngành, chuyên khoa cần tiếp tục được tăng cường.
Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương Lê Thanh Hải chia sẻ: Hàng năm, Việt Nam có hàng nghìn trẻ em và trẻ vị thành niên mắc các bệnh về thận – tiết niệu và cần được lọc máu. Từ khi Trung tâm lọc máu trẻ em ra đời đến nay, bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị cho hơn 1000 trường hợp chạy thận cấp cứu, ghép thận thành công cho 18 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân nhỏ nhất có cân nặng dưới 10kg.

Sau khi ghép, các bệnh nhân đều phát triển thể chất, tâm lý, sức chịu đựng và tiếp tục học tập có kết quả. Bệnh viện lấy phương châm quản lý theo dõi ngoại trú, giảm bớt đáng kể bệnh nhân điều trị nội trú, hy vọng sẽ giảm thiểu được các bệnh nhân thận, các bệnh chuyển hóa di truyền, bệnh ác tính ở trẻ em, điều này cũng sẽ góp phần giảm thiểu nhu cầu cấy ghép các tạng ở trẻ em. Bệnh viện Nhi Trung ương đã xây dựng một đội ngũ y bác sĩ khá thành thạo trong thực hành bệnh lý, lọc máu chuẩn bị lựa chọn ghép, ghép tạng…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất, cần tổ chức một đơn vị điều hành chung cho ghép tạng ở trẻ em trên toàn quốc nhằm tận dụng kinh nghiệm, kiến thức của các nhà chuyên môn về ghép tạng...


Việt Hà
Ghép tạng Việt Nam bước ra cùng thế giới
Ghép tạng Việt Nam bước ra cùng thế giới

Dù “sinh sau, đẻ muộn” nhưng hiện nay ghép tạng Việt Nam đã đạt được một số thành tựu tương đương với các nước có nền y học hiện đại. Nhiều dấu mốc lịch sử

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN