Ngân hàng tiếp sức giải cứu hộ nuôi lợn nhưng phải kiểm soát vốn vay

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Việc các ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân giải quyết hàng tồn kho thịt lợn là điều rất tích cực nhưng cần phải kiểm soát vốn vay, dòng tiền để tránh rủi ro nợ xấu.

Cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi vay

Mặc dù, chăn nuôi lợn đang bị khủng hoảng, dư thừa nguồn cung so với nhu cầu tiêu thụ nhưng nếu không có biện pháp hỗ trợ người dân tiếp tục chăn nuôi thì đến một lúc lại thiếu thịt lợn. "Do vậy, đối với những doanh nghiệp, bà con nông dân vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi lợn, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục cho vay thêm. Nhưng tất nhiên phải bảo đảm có lãi chứ không phải càng nuôi lại càng lỗ", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.

Trong ảnh: Các hộ chăn nuôi lợn tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định chăm sóc đàn lợn để chờ giá nhích lên mới xuất chuồng. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Để chung tay với bà con nông dân, NHNN đã yêu cầu các NHTM vào cuộc gỡ khó cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y vì thời gian qua, ngành chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ do giá lợn giảm mạnh, ảnh hưởng đến đời sống người chăn nuôi.

Theo đó, căn cứ khả năng tài chính, các tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác như: miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau để giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, NHTM cho vay được giữ nguyên nhóm nợ 1 (một) lần đối với một khoản nợ; cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Ngay sau khi có văn bản của NHNN, một số NHTM đã hưởng ứng chủ trương này. Trong đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) được xem là ngân hàng đầu tiên công bố sẽ dành gói cho vay ưu đãi 500 tỷ đồng cho đối tượng là các hộ nông dân, nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh...với lãi suất ưu đãi thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thị trường mà các đối tượng này đang vay vốn và thời hạn cho vay ưu đãi là 1 năm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank cũng kêu gọi toàn thể cán bộ nhân viên LienVietPostBank và gia đình có hành động thiết thực hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần giải cứu đàn lợn cũng như góp phần giải quyết khó khăn cho các hộ nông dân nuôi lợn, giúp duy trì đàn lợn thịt và lợn giống.

Theo đó, các cán bộ nhân viên LienVietPostBank đã tự nguyện đóng góp 1 ngày lương cơ bản nhằm “Hỗ trợ người dân các vùng bị thiệt hại nặng do giá thịt heo giảm” với tổng số tiền khoảng 1,7 tỷ đồng; đồng thời ngân hàng cũng trích ra 1 tỷ đồng từ Quỹ từ thiện để chung tay mang “Cơm có thịt heo” cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Khảo sát của LienVietPostBank cho hay, hiện nay giá thương lái thu mua thịt lợn (cân hơi – cân nguyên con) trên địa bàn Kon Tum là 28.000 – 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán để dẫn đến điểm hòa vốn của người nông dân phải dao động từ mức 35.000 - 37.000 đồng/kg. Do đó LienVietPostBank đã thu mua 150 con lợn của người nông dân với mức giá là 37.000 đồng/kg nhằm đảm bảo người dân vẫn có lãi.

Từ ngày 10/5, NHTM cổ phần Kienlongbank sẽ xem xét giảm 30% lãi suất cho vay hiện hữu đối với các khách hàng hoạt động sản xuất - kinh doanh chăn nuôi lợn đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank trong thời gian qua. Thời gian triển khai chương trình dự kiến là 3 tháng (90 ngày). Trong thời gian này, Kienlongbank sẽ hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thông qua các giải pháp hỗ trợ tín dụng kịp thời cho người chăn nuôi lợn trong thời điểm hiện nay, các ngân hàng hy vọng góp phần nhỏ chung tay cùng khách hàng tiết giảm giá thành, ổn định sản xuất, nhanh chóng vượt qua khó khăn.

Kiểm soát dòng vốn để tránh rủi ro


Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tính đến nay dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là 29.344 tỷ đồng; dư nợ cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ đồng (chiếm 43%), cho vay dài hạn là 16.679 tỷ đồng (chiếm 57%), với số lượng bà con hộ nông dân và doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn vay nợ ngân hàng. Trong đó, dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ, chiếm tỷ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại dành cho doanh nghiệp, hợp tạc xã, mô hình liên kết.

"Dư nợ cho vay chăn nuôi lợn trong tổng dư nợ nói chung hoặc tính trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nói riêng cũng là con số rất lớn. Do vừa qua giá bán giảm thấp, một số bà con và doanh nghiệp không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỷ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn; trong đó hộ nông dân và cá nhân chiếm tỷ trọng lớn là 311 tỷ đồng", Phó Thống đốc nói.

Theo lãnh đạo NHNN, ngay từ khi có câu chuyện các doanh nghiệp và đặc biệt là hộ nông dân nuôi lợn không bảo đảm được thời hạn trả nợ, NHNN đã cử các đoàn đi khảo sát ngay, tập trung ở một số tỉnh có số chăn nuôi lớn như Đồng Nai. Cho đến nay, số đã xử lý ngay cho những hộ gia đình và doanh nghiệp để thực hiện tái cơ cấu lại khoản nợ, tức là giãn nợ ra cho bà con, đạt là 364,7 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng có thể cho nông dân, hộ kinh doanh, thương lái vay nhưng phải kiểm soát dòng vốn để họ có thể trả nợ được nếu không sẽ rủi ro, ngân hàng phải chịu trách nhiệm tới các cổ đông cũng như hệ thống pháp luật. Do đó, việc giãn nợ, giảm lãi vốn vay chăn nuôi chỉ là giải pháp tình thế.

Tại tỉnh Đồng Nai, chỉ tính đến hết năm 2016, các NHTM trên địa bàn tỉnh này cho gia hạn nợ trên 1.100 tỷ đồng đối với các khách hàng chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Trong khi đó thời gian qua, chỉ riêng Agribank Đồng Nai cũng đã cho vay mới khoảng trên 2.500 tỷ đồng vào lĩnh vực chăn nuôi với lãi suất chỉ 6- 7%/năm; Agribank Chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa cũng cho vay khoảng 200 tỷ đồng vào các trại nuôi cho thuê...

“Giải pháp khoanh nợ, giãn nợ chỉ là giải pháp đặng chẳng đừng trong các trường hợp không còn cách nào khác để thu hồi vốn đúng hạn thôi chứ không thể làm mãi được. Mức nợ quá hạn của các TCTD sẽ tăng cao vừa thiệt hại vừa rủi ro cho phía ngân hàng”, đại diện Agribank Chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa nói.

Minh Phương/Báo Tin Tức
Quảng Ninh khẩn cấp tìm biện pháp tiêu thụ lợn thịt
Quảng Ninh khẩn cấp tìm biện pháp tiêu thụ lợn thịt

Dư thừa lợn thịt đang là vấn đề cấp bách khiến các hộ chăn nuôi ở Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn. Sáng 8/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đã chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ lợn thịt cho người chăn nuôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN