Nhà đầu tư theo dõi tỉ giá chứng khoán tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tai London, các thị trường chứng khoán trên thị trường toàn cầu chịu sức ép giảm điểm mạnh ngay từ phiên giao dịch đầu năm 2016, bắt đầu từ sự trượt dốc trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, khiến thị trường này ngừng giao dịch ngay trong ngày đầu tiên cơ chế “ngừng giao dịch tự động” được thực hiện.
Sự xáo động này đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo cổ phiếu trên các thị trường toàn cầu suốt tuần qua và ước tính đã “quét” hơn 2.000 tỷ USD giá trị cổ phiếu khỏi thị trường. Tính riêng trong tuần trước, chỉ số chứng khoán Dow Jones và S&P 500 của Mỹ mất khoảng 6% và FTSE-100 của Anh “bốc hơi” 5,3%.
Các nhà kinh tế thuộc RBS cảnh báo giới đầu tư sẽ phải đối mặt với một năm tồi tệ, theo đó các thị trường chứng khoán có thể giảm trên 20%, trong khi giá dầu thô có thể rớt xuống chỉ còn 16 USD/thùng. Trưởng bộ phận tín dụng của RBS, Andrew Roberts cho rằng các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ có thể giảm 10-20%. Chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh đứng trước nguy cơ đặc biệt lớn, do các công ty giao dịch hàng hóa chiếm một phần không nhỏ trong chỉ số này.
Lời khuyên mà RBS dành cho các khách hàng của mình là “bán mọi thứ chỉ trừ trái phiếu chất lượng cao”. Các nhà kinh tế RBS cho rằng tình hình hiện nay gợi lại thời điểm năm 2008, khi sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu. Lần này, rất có thể Trung Quốc là điểm khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng.
Thời gian qua, môi trường lãi suất thấp cùng với các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của các ngân hàng trung ương trên thế giới và niềm hy vọng vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đã mang lại sự hỗ trợ nhất định cho các thị trường tài chính. Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định nâng lãi suất vào cuối năm 2015, còn Ngân hàng trung ương Anh sớm hay muộn cũng sẽ tăng lãi suất, thì lợi thế này đang mất dần.
RBS không phải ngân hàng duy nhất đưa ra nhận định tiêu cực vào thời điểm hiện nay. Các nhà phân tích thuộc ngân hàng đầu tư JP Morgan cũng đã khuyến nghị khách hàng của họ bán cổ phiếu trên bất kỳ sàn chứng khoán nào và vào bất cứ khi giá cổ phiếu nhích lên. Đây là lần đầu tiên trong bảy năm qua, ngân hàng này không đưa ra lời khuyên mua vào khi cổ phiếu rớt giá mạnh.