Liên tục trong tuần qua, nhiều ngân hàng công bố hạ lãi suất cho vay, bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng liên tục đẩy gói vốn rẻ, ưu đãi để kích thích doanh nghiệp (DN) vay vốn sản xuất cuối năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề ở đây không phải thiếu vốn giá rẻ mà điều DN cần là phục hồi kinh tế để đẩy được hàng tồn kho.
Ồ ạt đẩy vốn rẻ
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, trước mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nhu cầu vốn của DN có dấu hiệu gia tăng. Hiện các NHTM đã chủ động và ra sức đẩy vốn vào thị trường với nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất. Không ít ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống mức 10 - 11%/năm, đồng thời linh hoạt cho DN thế chấp bằng dòng tiền bán hàng khi có nhu cầu vay vốn, thay vì khăng khăng đòi tài sản thế chấp bằng bất động sản như trước đây.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại VPBank chi nhánh Đông Đô, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Đáng chú ý, gói cho vay phục vụ các DN bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh của OceanBank với lãi suất cho vay siêu thấp, 6,8%/năm. Thời hạn cho vay căn cứ vào phương án sản xuất kinh doanh (SXKD), nhưng tối đa không quá 3 tháng.
Tương tự, VietinBank giảm lãi suất cho DN thuộc đối tượng của chương trình “Chung tay vượt khó cùng DN nhỏ và vừa”. Theo đó, DN khi có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND để phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi giảm tới 3%/năm so với lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường; thời hạn ưu đãi lãi suất tối đa 3 tháng, kéo dài đến 31/3/2013.
Tại ACB, để hỗ trợ khách hàng nắm bắt được cơ hội kinh doanh trong dịp cuối năm, từ ngày 22/11/2012 ngân hàng này quyết định dành hạn mức 1.000 tỷ đồng cho vay SXKD bổ sung vốn lưu động dành cho các khách hàng tham gia hai chương trình ưu đãi tín dụng “Hỗ trợ kinh doanh - Giảm ngay lãi suất” và “Gắn bó dài lâu”, với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 13,8%/năm...
Gói 1.000 tỷ đồng của NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng nhắm vào các DN SXKD các mặt hàng bình ổn thị trường và hàng Tết Quý Tỵ 2013. Lãi suất ưu đãi áp dụng cho các khoản vay này trong 3 tháng đầu là 10%/năm; thời hạn vay tối đa dành cho DN là 6 tháng, hộ kinh doanh cá thể và tiểu thương là 1 năm. Để kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi đi vào SXKD, mới đây Sacombank đã tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận và hợp đồng tín dụng với Ban Quản lý 36 chợ, trung tâm thương mại (trong đó có 3 chợ đầu mối: nông sản Thủ Đức, nông sản Bình Điền, nông sản Hóc Môn) và 6 DN tham gia bình ổn thị trường (Công ty TNHH Ba Huân, Công ty TNHH MTV - TM Thời trang Dệt may Việt Nam, Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn, Công ty TNHH San Hà, Hợp tác xã nông nghiệp TMDV Phú Lộc, Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang).
Cần nhưng chưa đủ
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của thị trường, dù các DN đều đang thiếu vốn để tái SXKD nhưng để vay được vốn rẻ lại không phải chuyện dễ dàng. Theo bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA, hiện nay các DN đang “chết cứng” với hàng tồn kho và cạn kiệt tiền mặt. Nhiều DN muốn có phương án để tái đầu tư kinh doanh nhưng không thể vì vướng hàng tồn, trong khi sức mua thị trường lại giảm...
Chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Đỗ Chí cho biết: Với vướng mắc hàng tồn như vậy, việc kích thích vốn rẻ hiện nay vẫn chưa đủ để tác động đến DN. Thực tế cho thấy, thời gian quý IV lại sắp kết thúc và nếu tính cả Tết Âm lịch, DN chỉ còn có 2 tháng để đẩy nhanh việc bán hàng. Theo đó, rất khó có kỳ vọng việc hạ lãi suất có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu tiêu dùng, chi tiêu trong giai đoạn này.
Ngoài ra, TS Phạm Đỗ Chí cũng cảnh báo: Việc hạ lãi suất cũng cần cân nhắc và tính toán lại, tránh việc mở rộng tiền tệ một cách ồ ạt và lại gây lạm phát cao trong năm 2013. Hơn nữa, hạ lãi suất chưa chắc đã kích thích được DN vay tiền, giảm áp lực ứ vốn cho hệ thống ngân hàng. Bởi DN sẽ chỉ có nhu cầu vay khi họ nhìn thấy sự ổn định của chính sách, của nền kinh tế, đặc biệt họ nhìn đầu ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Trên thực tế, hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay đã nỗ lực giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với nền kinh tế. Nếu như cuối năm 2011 lãi suất cho vay lên tới trên 20%/năm, các DN chỉ “mơ” lãi suất giảm còn 15 - 16%/năm, nhưng hiện giờ mức lãi suất cho vay mà các NHTM đưa ra còn hơn cả mong đợi của DN: chỉ dao động 12 - 13%/năm, thậm chí còn thấp hơn. Điều đó cho thấy không cần NHNN phải ép hạ lãi suất, mà bản thân các NHTM đã tự cân đối chi phí để đẩy vốn ra cứu DN và cũng là tự cứu mình.
Tuy nhiên, trước sức ép của hàng tồn nên các DN vẫn còn rất đắn đo và cân nhắc khi sử dụng đồng vốn vay ngân hàng. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để kinh tế tăng trưởng, DN “khỏe mạnh” hơn thì điều quan trọng vẫn là phải tăng sức cầu của nền kinh tế. Trong đó, cần có những giải pháp tổng thể, tập trung vào những chính sách nhằm kích cầu nhiều hơn như: tăng cường các điểm bán hàng bình ổn giá, phát triển các hệ thống an sinh xã hội tốt hơn, giảm thuế, tăng lương...
Hải Yên