Ngân hàng giá 0 đồng và xử lý nợ xấu

Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính tín dụng, một số ngân hàng yếu kém đã buộc Ngân hàng Nhà nước phải giành quyền kiểm soát thông qua việc mua lại với giá 0 đồng.


Theo chuyên gia kinh tế, kết quả nổi bật của quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015, là “cục máu đông” nợ xấu đang dần tan.

Dựa theo giá trị của cổ phiếu

Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD, một số ngân hàng yếu kém đã buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải giành quyền kiểm soát thông qua việc mua lại với giá 0 đồng là: Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Xây dựng. Không ít người thắc mắc, tại sao một ngân hàng có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng lại được mua lại với giá 0 đồng?

Trước vấn đề này, Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, việc NHNN mua lại các các ngân hàng với giá 0 đồng là đúng luật, dựa trên Quyết định 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là quan hệ mua bán dựa trên giá trị thực của cổ phiếu của các ngân hàng đó, không phải là quốc hữu hóa.

Ngân hàng Xây Dựng với thương hiệu mới CB. Ảnh: TTXVN phát

Tiến sỹ Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính (UBGSTC) Quốc gia cho biết, khái niệm “0 đồng” đang được nhắc tới là quá vắn tắt khiến thị trường không hiểu. Hệ thống văn bản pháp luật chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ khái niệm này. Vấn đề được hiểu ở đây là NHNN mua lại toàn bộ cổ phiếu hiện hữu của các cổ đông vì âm vốn chủ sở hữu chứ không phải là mua lại ngân hàng.

“Để xác định giá trị ngân hàng yếu kém, NHNN đã mời các công ty định giá độc lập xem xét. Khi thấy nợ xấu vượt từ 2 - 3 lần vốn tự có có nghĩa là ngân hàng này không còn giá trị. Trước đó, những ngân hàng bị mua đều đã được NHNN cho thời hạn khắc phục trong 2 năm nhưng họ không “gượng dậy” được”, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nói. Theo ông Nghĩa, NHNN mua lại ngân hàng yếu kém không tốn đồng nào. Họ mua để chấn chỉnh lại hệ thống của ngân hàng đó và sau đó bán lại cho một ngân hàng “khỏe” hơn. Trường hợp đặc biệt, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn đặc biệt đối với ngân hàng này. Do đó những ngân hàng được mua 0 đồng cho đến giờ vẫn hoạt động khá ổn định.

"Cục máu đông” đang tan

“Các ngân hàng đang tập trung vào nợ xấu, trong khi việc cần dè chừng hơn là nợ chưa xấu nhưng có nguy cơ xấu. Đã đến lúc nhà điều hành cần chấm dứt lối đánh "du kích" để điều hành nền kinh tế theo lối chính quy. Hy vọng năm 2016, mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ trở lại bình thường khi gói ghém nợ xấu trong VAMC” Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh.

Mặc dù quá trình tái cơ cấu ngân hàng và tiến trình xử lý nợ xấu còn nhiều gian nan nhưng nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nợ xấu đang dần được xử lý theo hướng tích cực.

Theo Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa, điểm nhấn quan trọng giai đoạn tái cơ cấu hệ thống TCTD là tính thanh khoản của ngân hàng đã tốt lên. Nếu như cuối năm 2011, nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng rất cao thì đến nay, thanh khoản đã ổn định. Đặc biệt, mặt bằng lãi suất cho vay từ 17 - 20% đã về mức 9 - 10%. Ông Nghĩa cho biết thêm: Ước tính hiện trên 98% số nợ xấu (xác định tại thời điểm tháng 9/2012) đã được xử lý tương ứng với gần 458.000 tỷ đồng. NHNN đã nhận diện nợ xấu ở thời điểm đó tương đối sát (465.000 tỷ đồng).

Đồng tình quan điểm này, ông Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng và tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, vấn đề thiếu thanh khoản của hệ thống được giải quyết. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát phi mã, vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trở nên nghiêm trọng khi lãi suất liên ngân hàng có lúc đã lên đến 30% và đẩy lãi suất huy động lên đến 18 - 20% vào thời điểm cuối năm 2011 đầu năm 2012, vượt xa mức trần của NHNN. Các TCTD yếu kém đã được xử lý và tiến trình xử lý nợ xấu phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Nói về kết quả xử lý nợ xấu, TS.Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cho biết, hiện VAMC đã mua tổng cộng 225.000 tỷ đồng nợ gốc của 139 TCTD với giá trái phiếu là 191.335 tỷ đồng. Trong số đó, VAMC đã phối hợp xử lý cùng các TCTD được 15.663 tỷ đồng, chiếm 7% trong con số đã mua về.  

“Riêng năm 2015, kế hoạch xử lý nợ xấu của VAMC cả năm là 10.000 tỷ đồng thì đến nay con số thu về đã đạt gần 11.000 tỷ đồng vượt hơn 1.000 tỷ đồng. Không chỉ vậy, khối lượng trái phiếu phát hành theo kế hoạch là 80.000 tỷ đồng mà đến nay khối lượng trái phiếu đã phát hành đạt 82.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, VAMC đã yêu cầu NHNN cho phát hành thêm trái phiếu trong thời gian tới. Tôi kì vọng, đến hết năm 2015, nợ xấu của hệ thống được đưa về dưới 3%”, ông Hùng nói.

Chia sẻ về những vướng mắc trong việc xử lý nợ, đại diện VAMC cho hay, hiện nay có nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ xấu tại một hoặc nhiều TCTD. Tuy nhiên, khi khách hàng đề nghị được cơ cấu nợ, xây dựng phương án để tiếp tục kinh doanh thì TCTD không đồng ý cho doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn do tài sản bảo đảm có giá trị kém.

Theo ông Hùng, ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục mua nợ xấu nội bảng và ngoại bảng của TCTD theo giá thị trường, VAMC sẽ xây dựng được chiến lược mua bán nợ xấu trên cơ sở phân loại các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt để thực hiện mua đứt theo giá trị thực tế..."Nếu tiềm lực đủ mạnh, VAMC sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần của các TCTD để tham gia tái cấu trúc TCTD", Chủ tịch VAMC khẳng định.

Minh Phương
Tái cơ cấu ngân hàng và 6 “đỉnh núi” đã vượt qua
Tái cơ cấu ngân hàng và 6 “đỉnh núi” đã vượt qua

Ba năm tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng nhìn lại, tuy rất ngắn, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã tiến một bước dài trong khả năng quản lý kinh tế nói chung và thực hiện chính sách tiền tệ nói riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN