Ngân hàng nội trước sức ép hội nhập

Với việc Việt Nam sẽ chính thức hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay, không chỉ các tập đoàn lớn mà hàng loạt các ngân hàng nước ngoài cũng có kế hoạch tăng cường sự hiện diện, mở rộng quy mô tại Việt Nam.


Sự “đổ bộ” của ngân hàng ngoại

Tính đến thời điểm này, Việt Nam hiện đã có 7 ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, bao gồm: HSBC, ANZ, Standard Chartered, Shinhan Vietnam, Hong Leong Bank, Public Bank Berhad và Citibank. Chưa kể vào tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã chấp thuận về nguyên tắc cho phép Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, cả nước còn có hơn 50 chi nhánh ngân hàng ngoại, hơn 50 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài và một số ngân hàng liên doanh.

Ngân hàng nội phải tăng quy mô vốn mới có thể cạnh tranh với ngân hàng ngoại.


Đáng lưu ý, những năm trước, ngân hàng nước ngoài tăng cường xuất hiện tại Việt Nam chủ yếu thuộc những quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Tuy nhiên, gần đây ngân hàng thuộc các nước ASEAN đã xuất hiện ngày càng nhiều, như DBS (Singapore), MayBank (Malaysia)... Điều này cho thấy, dường như các tổ chức tín dụng trong khu vực đã sẵn sàng đón đợi cơ hội từ AEC.

Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, sự hiện diện ngày càng nhiều của các ngân hàng nước ngoài sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết, tạo động lực để phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng tạo áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn giữa ngân hàng ngoại và nhóm các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Bởi bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tài chính cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, các ngân hàng ngoại cũng có khả năng thu hút khách hàng là doanh nghiệp địa phương dựa vào uy tín thương hiệu trên thị trường cũng như sức mạnh tài chính dồi dào từ các công ty mẹ.

Cũng theo TS Bùi Quang Tín, hiện nay hơn 66% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nằm trong tay doanh nghiệp có vốn FDI. Điều này cho thấy, doanh nghiệp FDI cũng là những khách hàng giàu tiềm năng của hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, bấy lâu nay thị phần này nằm trọn trong tay khối ngân hàng nước ngoài. Các ngân hàng nội tuy có giao dịch với các doanh nghiệp này nhưng tỷ lệ giao dịch rất thấp. Điều đáng nói, do có mạng lưới hoạt động rộng rãi trên thế giới, nên các ngân hàng trong khu vực khi “đổ bộ” vào Việt Nam không chỉ “thâu tóm” được khách hàng “ruột” trong nước mà còn nắm giữ được khách hàng tại nhiều quốc gia khác có ý định đầu tư vào Việt Nam. “Đơn cử Ngân hàng Bangkok chi nhánh Việt Nam không chỉ phục vụ khách hàng Thái Lan mà còn thu hút được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có ý định đầu tư sang Việt Nam nhờ từ lâu đã thiết lập được mạng lưới chi nhánh ở Trung Quốc. Chưa kể, ngân hàng ngoại có vốn rất dồi dào nên dễ dàng có các chiến dịch marketing hoành tráng, có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đội ngũ nhân sự có chất lượng quốc tế…. nên rất thuận lợi trong việc giành thị phần với ngân hàng nội”, chuyên gia Bùi Quang Tín phân tích.

Cần tăng vốn điều lệ

Theo chuyên gia ngân hàng,TS Nguyễn Trí Hiếu, thị phần nhóm ngân hàng ngoại vẫn còn hạn chế (trên 10,8% tổng tài sản toàn hệ thống) và chỉ mới hoạt động ở những thành phố lớn. Chính vì vậy, các ngân hàng lớn trong nước đã đặt ra kế hoạch mở rộng khách hàng sang khối ngoại.

Thế nhưng, theo TS Bùi Quang Tín, thời gian qua các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV… đều đặt kế hoạch mở rộng khách hàng sang khối ngoại nhưng đều gặp khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam sắp hội nhập sâu rộng, nếu không có bước chuẩn bị để giữ thị phần thì nguy cơ ngân hàng nội sẽ mất những khách hàng tiềm năng cũng như khách hàng đã có mối quan hệ trong thời gian qua. Cụ thể, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tăng cường vốn điều lệ để tăng quy mô so với các ngân hàng nước ngoài nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm rủi ro, có điều kiện thu hút thêm vốn, phát triển nhân lực, đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng mạng lưới, tăng cường cơ sở vật chất, tiếp thu kinh nghiệm quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế và thông lệ của các ngân hàng hiện đại trên thế giới.

Thực tế, vốn điều lệ của các NHTM Việt Nam tính đến thời điểm cuối tháng 8/2015 dao động từ 133 triệu USD đến gần 1,8 tỷ USD. Đây là số vốn rất thấp, trong khi đó các ngân hàng nước ngoài có vốn thậm chí lên đến hàng ngàn tỷ USD. “Như ngân hàng Mitsubishi UFJ có số vốn lên đến 1.770 tỷ USD, Ngân hàng United Overseas Bank của Singapore 13,4 tỷ SGD… Rõ ràng đây là một vị thế rất thấp của các NHTM Việt Nam trên tiến trình hội nhập”, TS Bùi Quang Tín so sánh.

Các NHTM Việt Nam cũng cần xây dựng riêng cho mình một hệ thống quản lý rủi ro tín dụng chặt chẽ hơn, tích cực xử lý nợ xấu, xây dựng và cập nhật chiến lược, đáp ứng các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tăng cường thu hút nguồn kiều hối... để đáp ứng nhu cầu hội nhập.


Hải Yên
Hội nhập kinh tế quốc tế thông qua nhận diện trực tuyến mạnh mẽ
Hội nhập kinh tế quốc tế thông qua nhận diện trực tuyến mạnh mẽ

Các doanh nghiệp Việt Nam cần có biện pháp chuẩn bị trước tác động của môi trường kinh doanh toàn cầu mới và cũng để tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong thương mại quốc tế thông qua các công nghệ trực tuyến như thương mại điện tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN