Với lộ trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020, cần một chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý triệt để tình trạng này .
Đội vốn ảo hàng nghìn tỷ đồng
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối các ngân hàng đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện có 5/33 ngân hàng thương mại cổ phần có cá nhân sở hữu vượt quy định 5% (quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng...) và 5/33 ngân hàng có nhóm cổ đông sở hữu vượt quy định trên 20%, vi phạm tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Mặc dù các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đã rất rõ ràng kể từ khi ban hành Thông tư 36 , nhưng chỉ có một vài trường hợp thoái được vốn sau khi tiến hành sáp nhập, hay mua lại các công ty tài chính (công ty con trực thuộc ngân hàng) của chính những đơn vị mà các ngân hàng đang giữ vốn.
Cần quyết liệt yêu cầu các ngân hàng thoái vốn tại những ngân hàng khác, doanh nghiệp đúng theo quy định. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản l ý kinh tế và tham nhũng (C46 Bộ Công an) nhận định, sở hữu chéo tại Việt Nam thời gian qua đã bị một số người lạm dụng để các cổ đông chi phối và cấp vốn theo mục đích riêng làm cho đồng vốn chạy lòng vòng, gây tình trạng đội vốn ảo hàng nghìn tỷ đồng. Đồng thời cũng làm gia tăng xung đột lợi ích, thiếu minh bạch trong hoạt động của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, bởi do không biết được trong số vốn của các cổ đông, bao nhiều phần trăm là vốn ảo.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do Luật Các tổ chức tín dụng chỉ quy định tỷ lệ sở hữu vốn và cổ phần, nhưng không quy định việc bắt buộc khai phải khai báo nguồn tiền mua cổ phần và không cấm việc vay vốn để mua cổ phiếu. Theo Đại tá Trực, “ ma trận” của sở hữu chéo, đầu tư chéo vì lợi ích nhóm trên thị trường ngân hàng và doanh nghiệp cổ phần ở Việt Nam là nguồn gốc của nợ xấu và hệ lụy của thực trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự quản lý kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm trong lĩnh vực này.
Cần chế tài mạnh
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, Ngân hàng Nhà nước cần phải ra thời hạn rõ ràng, quyết liệt trong việc yêu cầu các ngân hàng thoái vốn tại những ngân hàng khác, doanh nghiệp đúng theo quy định. Các ngân hàng thương mại phải khai báo một cách trung thực, chính xác việc họ sở hữu cổ phần của các ngân hàng khác, hay các doanh nghiệp là bao nhiêu, nếu khai gian phải có chế tài xử lý.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến để bổ sung quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng về nguồn vốn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, theo hướng nguồn vốn có được do các tổ chức tín dụng cấp tín dụng không được sử dụng để góp vốn, mua cổ phần của bất kỳ tổ chức tín dụng nào. Theo đó, sẽ quy định khắt khe hơn nữa đối với người mua cổ phần và tham gia điều hành ngân hàng để hạn chế rủi ro, chẳng hạn cổ đông lớn ngân hàng sẽ phải chứng minh nguồn tiền mua cổ phiếu.
Với giải pháp này, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạn chế được sở hữu chéo, minh bạch hóa cơ cấu cổ đông, đảm bảo các cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng có đủ năng lực tài chính, tránh trường hợp nguồn vốn góp là vốn “ảo” do chủ yếu từ nguồn vốn vay tại tổ chức tín dụng, giúp cho hệ thống hoạt động lành mạnh, an toàn và thực chất.
Bên cạnh đó, để có thể xử lý triệt để, phòng ngừa phát sinh tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, theo Đại tá Bùi Minh Thanh (C46 Bộ Công an), để có một chế tài mạnh mẽ hơn, cần luật hóa các hình thức đầu tư lòng vòng, tăng vốn ảo cho các tổ chức tín dụng, lừa dối cơ quan chức năng. Đồng thời, chú trọng việc nâng cao trình độ cho cán bộ làm thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử về các hoạt động sở hữu chéo, phát hiện các công ty sân sau... để nâng cao chất lượng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm liên quan để sở hữu chéo, lợi ích nhóm.
Còn theo ông Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, để không bỏ lọt tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chống hành chính hóa các hành vi hình sự, cần tăng cường kiểm sát trực tiếp việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố tại Cơ quan điều tra. Thông qua hoạt động kiểm sát nhằm phát hiện những nguồn tin tố giác tội phạm không được thụ lý, xác minh hoặc xác minh sơ sài, xử lý không đúng quy định của pháp luật.