Sở hữu chéo gây khó khăn khi tái cơ cấu ngân hàng

Tại Hội thảo “Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế” do Ủy ban Giám sát Tài chính (UBGSTC) Quốc gia, Ban kinh tế Trung ương Đảng và Đại sứ quán Ailen tổ chức ngày 14/10 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề sở hữu chéo và đuợc xem là thách thức trong hành trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.


Xử lý tình trạng sở hữu chéo


Theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 thì trong năm 2011 và 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải phân loại các tổ chức tín dụng và thực hiện mua bán sáp nhập ngân hàng yếu kém, đến năm 2014 hoàn thành căn bản xử lý nợ xấu. Thế nhưng, đến cuối năm 2013, việc sáp nhập các ngân hàng vẫn chưa thực hiện triệt để, quá trình xử lý nợ xấu mới chỉ được bắt đầu.


Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại HDBank chi nhánh Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch UBGSTC Quốc gia cho rằng, cần thiết phải áp dụng quy chuẩn an toàn theo thông lệ quốc tế trong hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm?


Theo ông Vũ Viết Ngoạn, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo với sự liên thông của cả 3 khu vực: ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp đã làm méo mó và lệch lạc các dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế và không ít các dòng chảy đó nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan quản lý. Mặt khác, các hạn chế về tính minh bạch thông tin và chuẩn mực kế toán đã tạo điều kiện để sở hữu chéo, nảy sinh tiêu cực.


Hiện nay, thị phần của bốn ngân hàng thương mại lớn đã chiếm trên 50% toàn hệ thống ngân hàng. Theo ông Ngoạn, điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc lựa chọn giải pháp để cấu trúc lại thị trường. “Nếu cho ra đời một ngân hàng thương mại quy mô lớn tầm cỡ khu vực sẽ làm gia tăng tình trạng thị phần của một nhóm ngân hàng quá lớn, theo đó sẽ làm gia tăng rủi ro tiềm ẩn hệ thống”, ông Ngoạn cảnh báo.


Phá mối liên kết "ngầm"


Bà Trần Thị Thanh Tú, Phó trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, một trong những vướng mắc cơ bản của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là thiếu một cơ quan điều phối chung giữa các bên có liên quan trong quá trình tái cơ cấu.


Theo bà Hà, kinh nghiệm quốc tế cho thấy ở tất cả các nước tái cơ cấu thành công đều cần có một cơ quan điều phối quá trình tái cơ cấu. Trong điều kiện Việt Nam, NHNN có lợi thế là đơn vị đứng ra tổ chức thực hiện, song cũng có những bất lợi nhất định như quá tải về nguồn nhân lực.


Một số chuyên gia kinh tế nhận định việc thực hiện xử lý nợ xấu chậm và thiếu triệt để có thể tạo ra rủi ro lớn, trong đó nợ xấu đang tiềm tàng rất lớn từ các tập đoàn tư nhân và nhà nước. Đặc biệt, theo chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa, sở hữu chéo đang kéo dài là tác nhân quan trọng cản trợ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.


Nguyên nhân là do thiếu minh bạch về nguồn gốc vốn góp, thiếu chế tài để xử lý các vấn đề sở hữu triệt để và công tác giám sát sở hữu ngân hàng chưa hiệu quả. "Sở hữu chéo và lũng đoạn đã cản trợ việc cải thiện quản trị và quản lý rủi ro ở một số ngân hàng thương mại," ông Nghĩa nhận định.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện cơ sở pháp lý, chế tài xử lý sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn hiện còn thiếu, trong khi nếu hình sự hóa vấn đề này thì sẽ tác động không tốt đến hệ thống ngân hàng vốn được cho là rất nhạy cảm.


Theo TS Lê Xuân Nghĩa, cần khoanh vùng tiến hành điều tra toàn diện về cơ cấu sở hữu ngân hàng và có lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo, sở hữu chi phối ngân hàng. Việc áp dụng đồng bộ những giải pháp về xử lý nợ xấu, tăng cường thanh tra giám sát, nâng cao quản trị rủi ro và giảm sở hữu chéo là bước đi cần thiết để có được triển vọng tích cực trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Giải pháp cụ thể được các chuyên gia kinh tế đưa ra là bên cạnh sự đồng thuận từ Chính phủ, các bộ ngành, ngân hàng và doanh nghiệp thì phải giải tỏa được những lo ngại của ngân hàng, doanh nghiệp khi bán nợ xấu cho VAMC.


Bà Tú kiến nghị, việc đầu tiên là cần ban hành các quy định có liên quan đến việc công bố thông tin của các ngân hàng về quản trị công ty, trong đó có quy định chặt chẽ về công bố thông tin việc nắm giữ cổ phiếu hay các giao dịch lớn (trên 5% tổng số cổ phiếu) của những người có liên quan trong ngân hàng. Khi đó, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng sẽ có công cụ để giám sát một cách hiệu quả tình trạng này.


Minh Phương - Minh Thúy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN