Nga nêu điều kiện tham gia cuộc gặp bốn bên về Ukraine

Nga sẽ chỉ tham gia cuộc gặp bốn bên với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine với điều kiện trong nội dung bàn thảo có yêu cầu chính phủ tạm quyền tại Ukraine đối thoại với các địa phương.

Theo hãng tin Nga RIA Novosti, phát biểu ngày 10/4 với báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hiện Moskva đang chờ đợi những giải thích về mục đích của cuộc gặp bốn bên nói trên, được giới chức EU thông báo là có thể diễn ra vào cuối tuần sau ở cấp ngoại trưởng.

Brussels cho biết thành phần tham dự dự kiến gồm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh-đối ngoại Catherine Ashton, Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng trong chính phủ tạm quyền Ukraine Andriy Deshchytsia.

Người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà trụ sở của chính quyền thành phố Donetsk, miền đông Ukraine ngày 10/4. Ảnh: AFP-TTXVN


Tuy nhiên, ông Lavrov đã nhắc lại đề xuất của Nga về đối thoại rộng mở với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị và khu vực ở Ukraine nhằm đạt được một thỏa thuận về cải cách hiến pháp. Theo Ngoại trưởng Lavrov, tình hình biểu tình hiện nay tại Ukraine là vấn đề xung đột nội bộ, đòi hỏi chính quyền lâm thời Kiev phải mời đại diện các vùng, các lực lượng chính trị đến đối thoại về tất cả các vấn đề xung đột.

Cho đến nay Nga không đồng ý gặp gỡ đại diện chính quyền lâm thời Kiev do không công nhận tính hợp pháp của chính quyền này. Tuy nhiên, trong hai ngày qua, Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã điện đàm hai lần về khả năng tổ chức cuộc gặp bước ngoặt trên. Trong lúc này, Cơ quan Ngoại giao liên bang Thụy Sĩ đã tuyên bố sẵn sàng tổ chức cuộc gặp bốn bên về Ukraine tại Geneva.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Igor Shuvalov cho biết Moskva có thể thay đổi các quy định về ngân sách của nước này để phù hợp với việc có thêm 2 triệu dân ở vùng lãnh thổ Crimea (Crưm).

Phát biểu với nhật báo “Die Welt” của Đức khi tham dự một hội nghị doanh nghiệp tại Berlin, ông Shuvalov nói Crimea cần các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và điều này không thể thực hiện được với các nguồn tài chính hiện có.

Tờ báo dẫn lời ông Shuvalov nói: “Khi một quốc gia có thêm 2 triệu người dân, điều đó cần phải có những khoản đầu tư lớn”.

Các quy định về ngân sách của Nga hạn chế hoạt động vay mượn của chính phủ ở mức không quá 1% tổng sản phẩm quốc nội và gắn việc chi tiêu với giá dầu mỏ trong dài hạn.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm một bệnh viện nhi tại thành phố Simferopol, Crimea ngày 31/3. Ảnh: Reuters


Cũng trong ngày 10/4, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố Nga phải rút các binh sĩ của nước này khỏi khu vực biên giới với Ukraine nếu Moskva muốn bắt đầu cuộc đối thoại về cuộc khủng hoảng tại đó.

Phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm CH. Séc, ông Rasmussen cho biết bất cứ hành động quân sự tiếp theo nào của Nga cũng đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng và phải nhận các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề.

Theo ông Rasmussen, quan sát của NATO cho thấy Nga hiện có khoảng 40.000 binh sĩ được triển khai gần Ukraine.


TTXVN/Tin tức

Nga: Xử lý khủng hoảng Ukraine không thể thiếu vai trò của Moskva
Nga: Xử lý khủng hoảng Ukraine không thể thiếu vai trò của Moskva

Hãng tin Itar-Tass dẫn đánh giá của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko khẳng định, mọi nỗ lực phá vỡ thế bế tắc ở Ukraine sẽ không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN