Các thành viên Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 17/7 đã đề nghị đơn phương đình chỉ Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START mới) và thỏa thuận cho phép các chuyến hàng của NATO quá cảnh qua lãnh thổ Nga để tới Afghanistan. Động thái này được coi là nhằm trả đũa việc Washington mở rộng các biện pháp trừng phạt Moskva liên quan tới sự can dự của Nga tại Ukraine.
Phát biểu với hãng tin Itar-Tass, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Kalashnikov tuyên bố: "Chỉ đàm phán với người Mỹ từ một vị thế mạnh là điều cần thiết. Chúng ta nên xem xét lại Hiệp ước START mới, các điều khoản trong thỏa thuận quá cảnh hàng hóa tới Afghanistan và đình chỉ chúng. Cần tìm kiếm nhiều lựa chọn khác nhau, xét lại vấn đề nhạy cảm nhất trong các mối quan hệ song phương đối với Mỹ. Ukraine chỉ là một mắt xích trong chuỗi chính sách chống Nga của Washington. Các biện pháp trừng phạt được đưa ra ngay cả khi Nga đã xây một bức tường quanh biên giới Ukraine".
Hiệp ước START mới được Nga và Mỹ ký tháng 4/2010 và có hiệu lực trong vòng 10 năm.
Cùng ngày, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố các lệnh trừng phạt mới của Phương Tây đối với Moskva liên quan tới vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine là “tội ác” và các biện pháp đó không bao giờ có thể khiến bất kỳ ai phải quỳ gối.
Phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ, ông Medvedev nhấn mạnh rằng động thái trên của Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ không giúp được Ukraine và sẽ gây tâm lý chống Mỹ tại Nga. Ông cũng lưu ý rằng giờ đây Moskva sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề chi tiêu quốc phòng.
Tuy nhiên theo ông Fares Kilzie, người đứng đầu công ty tư vấn về năng lượng Creon, các lệnh trừng phạt mới của Phương Tây sẽ khiến ngành công nghiệp năng lượng của Nga mất ít nhất 150-200 tỷ USD.
Theo chuyên gia này, các lệnh trừng phạt sẽ đánh mạnh vào tập đoàn năng lượng Rosneft với các kế hoạch phát triển các mỏ dầu ngoài khơi Bắc Cực và dự án trong lĩnh vực khí hóa lỏng, đồng thời gây khó khăn cho các dự án khí hóa lỏng Yamal của công ty Novatek.
Ông Kilzie nói: “Tôi chắc chắn rằng loạt trừng phạt tiếp theo sẽ nhắm vào các công ty hạng 2 (các nhà thầu), các công ty hạng 1 là các công ty hình thành ý tưởng và cung cấp tài chính cho tất cả các dự án năng lượng lớn. Chỉ đánh giá theo danh sách các lệnh trừng phạt, các công ty Nga sẽ mất 150-200 tỷ USD, riêng dự án Novatek đã mất hơn 20 tỷ USD”.
Ngoài ra, các kế hoạch năng lượng và thiết bị của Gazprombank cũng bị ảnh hưởng. Chuyên gia Kilzie cũng tin rằng các lệnh trừng phạt sẽ được mở rộng và tác động cả tới cả các công ty hạng 3 của Nga.
T.N (theo Itar-Tass)