Học sinh miền núi chịu đi học đã là một cố gắng rất lớn, nếu điều chỉnh điểm ưu tiên trong tuyển sinh e rằng “lợi bất cập hại”, đó là tâm lý chung của những người làm giáo dục khu vực miền núi.
Học sinh chịu đến lớp đã là mừng rồi!
Ông Lục Hải Xuyến, chuyên viên phòng GD - ĐT huyện Bắc Quang, Hà Giang, chia sẻ: “Với những vùng khó khăn như Hà Giang (điều kiện học tập không có, cơ sở vật chất tồi tàn tạm bợ, nhận thức người dân hạn chế, phong tục tập quán cổ hủ...), thì học sinh chịu đến lớp đã là mừng lắm rồi. Để đến lớp, học sinh phải thức dậy từ 3 giờ sáng, đi bộ vượt hàng chục km đường rừng.
Giờ học thực hành môn Vật lý tại trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng. |
Hàng ngày các em phải tự vào rừng kiếm củi, bữa cơm phải ăn rau rừng chấm muối trắng, đi bẫy chuột về làm thịt ăn, một gói mì tôm xẻ làm hai bữa, ngồi co ro trong lớp học với manh áo mỏng tang... Với những khó khăn và thiệt thòi đó, học sinh miền núi xứng đáng được động viên, khích lệ và ưu tiên”.
Cũng theo ông Xuyến, tỷ lệ học sinh THPT đỗ vào các trường ĐH - CĐ của toàn tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Bắc Quang nói riêng, còn rất hạn chế. Thực tế, có những xã ở Bắc Quang từ trước đến nay chưa từng có con em đồng bào được học nghề, học trung cấp, chưa nói đến CĐ, ĐH. “Chủ trương cộng điểm ưu tiên cho học sinh KV1 là hoàn toàn hợp lý và có ý nghĩa nhân văn. Đây là một trong những phương án hữu hiệu giúp nâng cao trình độ dân trí, giúp đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ chất lượng cao cho địa phương”, ông Xuyến chia sẻ.
Cũng có chung quan điểm đó, thầy giáo Nguyễn Khắc Tiệp - giáo viên môn Vật Lý, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bắc Quang, cho biết: “Tôi ủng hộ không phải tôi là người dân tộc, là giáo viên dạy ở miền núi, mà do tôi có sự trải nghiệm và hiểu hơn ai hết cái khó nhọc của giáo dục miền núi. Cộng tối đa 3,5 điểm ưu tiên cho học sinh KV1, thuộc đối tượng ưu tiên 1 hoàn toàn phù hợp. Ngay từ bé, các em đã không có điều kiện học tập, tu dưỡng như học sinh ở các vùng thuận lợi hơn. Việc Bộ GD - ĐT áp dụng cộng điểm ưu tiên cho học sinh KV1 là cách tạo điều kiện cho các em có cơ hội “tiếp xúc” với môi trường giáo dục chuyên nghiệp, hiện đại. Nếu không có điểm ưu tiên, học sinh miền núi khó mà vào ĐH và có được nghề nghiệp ổn định. Thực tế, số lượng học sinh được cộng tối đa 3,5 điểm ưu tiên cũng không nhiều nên sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh đầu vào, chất lượng giáo dục đại học. Trong quá trình học tập, các em sẽ tự rèn luyện, tu dưỡng để đạt được những yêu cầu của nhà trường và tích lũy tri thức cho mình...”.
Vẫn nên cộng điểm
Với thầy giáo Hồ Trọng Nghĩa - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Bon (Phù Yên - Sơn La), việc bỏ điểm ưu tiên là “bất công” với giáo dục miền núi. "Điểm ưu tiên tuyển sinh giống như một trợ lực giúp cho học sinh miền núi có điều kiện bước vào giảng đường ĐH, CĐ, tiếp cận với tri thức và môi trường giáo dục hiện đại. Nó không chỉ giúp nâng cao trình độ dân trí, mà còn giúp đào tạo nguồn nhân lực có tri thức để quay lại địa phương làm việc”, thầy Hồ Trọng Nghĩa chia sẻ.
Bà Hoàng Hòa, phụ trách Quản lý giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Hà Giang: “Số cán bộ dân tộc thiểu số tại các địa phương tại tỉnh Hà Giang nói riêng, và các tỉnh miền núi nói chung, đang rất thiếu. Đặc thù vùng núi, dân tộc thiểu số lại rất cần có đối tượng cán bộ này. Trong khi đó, người vùng xuôi lên công tác tại miền núi còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng cán bộ của các tỉnh miền núi hiện nay. Chế độ cộng điểm ưu tiên tuyển sinh sẽ giúp các tỉnh miền núi có được nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ và năng lực...”. |
Cũng theo thầy Nghĩa, số học sinh ở Kim Bon học hết cấp 1, học tiếp lên cấp 2 chiếm tỷ lệ rất ít, chỉ khoảng gần 30%. Số học sinh học tiếp lên cấp 3 lại càng ít hơn, chỉ chiếm khoảng 10% và số học sinh thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm học 2012 - 2013, chỉ có 2 học sinh trường thi đỗ được vào ĐH và CĐ. Hầu hết, học sinh nghỉ học ở nhà lấy vợ, lấy chồng khi mới 12 - 13 tuổi và làm bố, làm mẹ khi mới bước sang tuổi 14 - 15. “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là đào tạo được nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương. Nếu không học được lên ĐH, CĐ thì học nghề, học các trường Trung cấp... và thậm chí chỉ cần các em học hết cấp 3, xã sẽ tạo điều kiện xét vào dạng cử tuyển đi học để các em quay lại quê hương làm việc, cống hiến... Nhưng hiện nay ở Kim Bon, điều này vẫn là một mơ ước cần rất nhiều sự cố gắng mới có thể thực hiện được”, thầy giáo Hồ Trọng Nghĩa nói.
Thu Hòe
Bài 3: Điểm ưu tiên không tạo sự khác biệt về chất lượng