Chọn cách ưu tiên phù hợp

Làm thế nào để hỗ trợ hiệu quả cho giáo dục miền núi, giúp "miền núi tiến kịp miền xuôi", nhưng lại vẫn đảm bảo chất lượng cho đội ngũ sinh viên dân tộc thiểu số, đồng nghĩa với việc đảm bảo chất lượng của lực lượng cán bộ dân tộc thiểu số tại các địa phương. Đây thực sự là một vấn đề cần được ngành giáo dục nghiêm túc đặt ra.

Cộng tối đa 3,5 điểm


Theo Quy chế tuyển sinh ĐH - CĐ hệ chính quy của Bộ GD - ĐT, thí sinh thuộc đối tượng, khu vực ưu tiên cao nhất sẽ được cộng 3,5 điểm (nhóm ưu tiên 1 được 2 điểm và khu vực ưu tiên 1 được 1,5 điểm). Bên cạnh đó, quy định về điểm sàn dành cho thí sinh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ cũng thấp hơn 1 điểm so với mặt bằng chung của cả nước.

Phòng học thực hành môn Tin học của trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn.


Cũng theo số liệu thống kê tuyển sinh ĐH năm 2012 của Bộ GD - ĐT, học sinh phổ thông thuộc KV3 (đối tượng không được cộng điểm ưu tiên nào hoặc được cộng điểm do học lực xuất sắc) chỉ chiếm khoảng 13%; học sinh thuộc KV2 và KV2 - nông thôn (đối tượng được cộng 0,5 điểm và 1 điểm) chiếm 84%; học sinh thuộc KV1, nhóm ưu tiên 1 chiếm 3% (số học sinh được cộng tối đa 3,5 điểm). Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 21 tỉnh, thành thuộc KV1. Ở các thành phố lớn cũng có rất nhiều huyện, xã thuộc KV1 được hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên 2 điểm.

Chỉ nên dao động từ 0,5 - 1 điểm


Trước thực tế này, nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề: Một chế độ ưu tiên dành cho đại bộ phận như vậy liệu có phù hợp?


Về vấn đề này, theo nguyên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, GS. Phạm Minh Hạc: Việc cộng điểm ưu tiên đã đến lúc nên xem xét chấm dứt. Theo GS. Phạm Minh Hạc, giáo dục ĐH là khâu trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong ba khâu đột phá của chiến lược giáo dục 2011 -2020. Vì vậy, tuyển sinh đầu vào của ĐH phải thực sự nghiêm túc và tuyển chọn kỹ càng. "Chúng ta không thể chọn những học sinh yếu kém vào học ĐH được. Chất lượng đầu vào kém thì đầu ra cũng kém. Không thể ưu tiên để rồi chọn những học sinh kém vào ĐH”, GS. Phạm Minh Hạc khẳng định, “nếu chúng ta chọn người kém, người chưa đủ trình độ để học chuyển tiếp lên ĐH thì khi trả họ về địa phương, họ cũng không đáp ứng được yêu cầu công việc. Điều này vô tình có thể làm cho những vùng, miền đã chậm phát triển, sẽ càng trở nên chậm phát triển hơn”, GS. Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm đó, PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, cho rằng: “Chất lượng đầu vào kém thì đào tạo khó khăn, đồng thời dẫn tới đầu ra kém, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Tôi ủng hộ việc có sự ưu tiên với những vùng khó khăn, nhưng ưu tiên như thế nào thì lại là vấn đề cần phải xem xét kỹ”. Theo PGS. Văn Như Cương, nên ưu tiên bằng cách lấy mức điểm sàn của Bộ GD - ĐT làm chuẩn. Học sinh nào tự thi bằng năng lực của mình, đỗ theo điểm đầu vào của trường đi học bình thường và nên có chính sách hỗ trợ về kinh tế, về công việc sau khi ra trường. Những học sinh yếu hơn, thi chưa đạt điểm sàn của Bộ thì nên quy tụ họ lại để dạy bồi dưỡng tập trung ít nhất 1 năm. “Trong 1 năm học bồi dưỡng, chúng ta liên tục kiểm tra, đánh giá bằng các kỳ thi sát hạch. Khi nào các em đạt yêu cầu thì tuyển sinh vào ĐH. Đã đến lúc đưa chủ trương ưu tiên trong tuyển sinh vào bàn bạc vì nó là một trong những nội dung quan trọng để có thể đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”, PGS. Văn Như Cương nói.


Áp dụng theo đúng quy chế này, năm học 2013 - 2014, những thí sinh thuộc diện ưu tiên cộng 3,5 điểm, chỉ cần đạt trung bình 3 điểm/môn (với hệ ĐH) và hơn 2 điểm/môn (với hệ CĐ) là đậu ĐH, CĐ ở các trường lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD - ĐT.

Cũng theo PGS. Văn Như Cương, điểm ưu tiên tuyển sinh chỉ nên dao động từ 0,5 - 1 điểm là hợp lý. Ông lý giải: “Sự chênh lệch 0,5 - 1 điểm không quá cao mà vẫn thể hiện được bản chất của sự ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước với những học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”.


Còn trung úy Nguyễn Văn Hiếu - giảng viên trường Học viện Cảnh sát nhân dân, cho rằng: “Ưu tiên “dân tộc phải gắn liền với miền núi”. Đây phải coi là tiêu chuẩn bắt buộc cho việc cộng điểm”. Theo trung úy Nguyễn Văn Hiếu, nếu là đồng bào dân tộc nhưng sinh sống ở thành phố, thì cũng được hưởng chế độ chăm sóc, học tập hiện đại tiện nghi, đạt chuẩn, nên không cần phải ưu tiên. Ngược lại, trường hợp học sinh không phải dân tộc thiểu số nhưng sống ở miền núi, hải đảo khó khăn, thì nên được hưởng ưu tiên. "Tuy nhiên, mức cộng điểm tối đa 3,5 là quá nhiều và bất hợp lý trong tuyển sinh. Thay vì cộng điểm quá nhiều thì nên đầu tư hướng khác cho miền núi như: Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cuộc sống đội ngũ thầy cô, học trò bán trú…", trung úy Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.


GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh - thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội: “Cộng điểm ưu tiên cho học sinh ở các khu vực tuyển sinh cho đến thời điểm này vẫn là cần thiết. Có thể mức độ điểm cần điều chỉnh lại, nhưng cơ bản vẫn là cần thiết, chưa thể bỏ”.

 

Thu Hòe

 

Bài 2: Nếu không ưu tiên, học sinh miền núi khó đỗ ĐH

Nếu không ưu tiên, học sinh miền núi khó đỗ ĐH
Nếu không ưu tiên, học sinh miền núi khó đỗ ĐH

Học sinh miền núi chịu đi học đã là một cố gắng rất lớn, nếu điều chỉnh điểm ưu tiên trong tuyển sinh e rằng “lợi bất cập hại”, đó là tâm lý chung của những người làm giáo dục khu vực miền núi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN