Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên bệnh sởi đã giảm rõ rệt nhưng một số bệnh mùa hè như sốt xuất huyết và chân tay miệng vẫn có nguy cơ xảy ra nếu không phòng bệnh quyết liệt.
Phòng dịch tại cơ sở giáo dục. Ảnh: Dương Ngọc TTXVN |
Từ đầu năm đến nay Hà Nội có 287 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, số ca mắc giảm 183 trường hợp (tương đương 38,9%) so với cùng kỳ năm 2013. Nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng tại các nhóm trẻ gia đình trong mùa hè là rất cao.
Trong khi đó, với bệnh sốt xuất huyết, hiện từ đầu năm đến nay có 51 trường hợp mắc bệnh, không có trường hợp tử vong, giảm 22 ca (29,3%) so với cùng kỳ 2013. Tuy nhiên năm nay là năm có thể chu kỳ lặp lại dịch đã xảy ra 5 năm trước, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch do diễn biến thời tiết nắng nóng bất thường, nếu không có các biện pháp phòng, chống quyết liệt.
Riêng về bệnh thủy đậu, Hà Nội đã có 1.159 trường hợp, tăng 37% so với cùng kỳ 2013. Dù là bệnh lành tính nhưng cần biết cách chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ, không kiêng nước, kiêng tắm… có thể dẫn đến biến chứng. Cách phòng bệnh tốt nhất là chăm sóc tốt cho trẻ, tránh dùng các bài thuốc chưa được phổ biến chữa bệnh, vệ sinh sạch sẽ tránh lây lan và cho trẻ tiêm chủng đầy đủ.
Dịch sởi tại Hà Nội đã giảm đáng kể, số lượng các bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi điều trị tại các bệnh viện Trung ương và Hà Nội đạt cao nhất vào ngày 25/4 là 1.096 bệnh nhân. Đến ngày 19/5 số lượng bệnh nhân đã giảm 62,3% (còn 413 người). Cũng đến ngày 19/5, Hà Nội đã có 20 quận, huyện qua 21 ngày không có bệnh nhân mắc sởi.
Hiện nay, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè trong các trường học. Các quận, huyện và các đơn vị y tế trong ngành cũng đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa hè, đặc biệt là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, tả, thủy đậu, viêm não… “Đối với phòng chống dịch, công các tuyên truyền phòng chống dịch, tập huấn cho các cán bộ y tế các cấp đang được tăng cường. Bên cạnh đó, Sở Y tế đẩy mạnh tập huấn cho người trông trẻ tại các nhóm trẻ gia đình, cô giáo mầm non về phát hiện và xử lý các trường hợp tay chân miệng, thủy đậu. Các địa phương duy trì công tác vệ sinh môi trường; thực hiện vệ sinh cá nhân, nơi công cộng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…” ông Hoàng Đức Hạnh cho biết.
XM