Các báo cáo viên trong và ngoài nước trong lễ khai mạc hội thảo tại TP.HCM. Ảnh: B.E |
Tham gia báo cáo là các giáo sư bác sĩ đầu ngành đến từ các trường Đại học Y, các bệnh viện lớn trong nước và các khách mời quốc tế uy tín.
Theo Hội tim mạch Việt Nam, tính đến tháng 5/2015, cả nước có khoảng 1,4 triệu người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Mỗi năm, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong do bệnh tại Việt Nam. Hội tim mạch Việt Nam cảnh báo, đến năm 2017, cả nước sẽ có 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp.
Tại hội thảo, PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội đái tháo đường – Nội tiết TP. HCM chia sẻ: Khối tim mạch chuyển hóa hiện nay đang gia tăng với mức độ chóng mặt: Tăng huyết áp có tỉ lệ từ 20-30 % tùy vùng miền. Đái tháo đường gia tăng gấp đôi mỗi 10 năm. Theo nghiên cứu năm 2012, tỉ lệ lưu hành trên toàn quôc là 5,4%, nhưng có những nơi tỉ lệ lên tới 17,7%, kèm theo là những biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. Đặc biệt, đột quỵ là biến chứng tim mạch thường gặp tại Việt Nam, nhiều hơn nhồi máu cơ tim.
Bệnh xơ vữa động mạch là vấn đề nan giải trong xã hội ngày nay. Khi mạch máu bị xơ vữa và mảng xơ vữa không ổn định thì sẽ gây ra huyết khối làm tắc nghẽn lòng mạch. Nếu sự tắc nghẽn xảy ra tại mạch máu não sẽ gây ra đột quỵ, tại mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim. Nghiên cứu dịch tễ gần đây tại Việt Nam cho thấy hơn 22% bệnh nhân nội khoa cấp tính và ít vận động, nếu không dự phòng sẽ bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới.
Các chuyên gia về tiết niệu cảnh báo: bên cạnh bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu thì tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt cũng là một bệnh lý thường gặp ở nam giới lớn tuổi. Ước khoảng 50% nam giới bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt khi ở tuổi 50 - 60, và 90% khi ở tuổi 80 - 90. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị đúng, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.