Ủy ban Giám sát hạt nhân Mỹ ngày 10/2 đã thông qua dự án xây dựng những lò phản ứng hạt nhân mới đầu tiên trong vòng 3 thập kỷ. Hai lò phản ứng mới, đặt tại bang Georgia, sẽ đại diện cho phiên bản đầu tiên của thiết kế lò phản ứng thế hệ mới tại Mỹ, từng xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc.
Đồ họa thiết kế lò phản ứng thế hệ thứ ba, AP1000, mà Mỹ chuẩn bị lắp đặt. (Ảnh Internet). |
Lò phản ứng “thế hệ thứ ba” được cho là an toàn hơn, với hệ thống ắc quy lâu hơn và các hệ thống làm nguội thụ động vận hành nhờ trọng lực, giúp chúng có thể trụ lại lâu hơn trong những trường hợp khẩn cấp khi không có nguồn điện từ bên ngoài.
Mỹ đã ngừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân sau sự cố tan chảy một phần lõi lò tại nhà máy Three Mile Island năm 1979. Do vậy, 104 nhà máy hạt nhân đang hoạt động tại nước này đều có thiết kế từ thập niên 1960 và 1970. Trong khi đó, nhà máy đầu tiên với lò phản ứng thế hệ thứ ba đã được thiết kế từ thập niên 1990 và được nâng cấp cho đến khi sang thiên niên kỷ mới.
Sau thảm họa động đất – sóng thần dẫn đến tan chảy các thanh nhiên liệu tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản hồi tháng 3/2011, các nước như Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha đã ngừng xây dựng bất cứ nhà máy điện hạt nhân mới nào. Tuy vậy, Trung Quốc, trong cảnh “khát” năng lượng vẫn tiếp tục bổ sung các lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba.
Loạt lò phản ứng vừa được Mỹ thông qua, AP1000, do công ty Westinghouse (Mỹ) chế tạo, cho phép những người điều hành có “vài ngày thay vì vài tiếng” để khôi phục hệ thống cấp điện trong trường hợp xảy ra một thảm họa kiểu Fukushima. Các lò phản ứng tại Nhật đã bị tan chảy do hệ thống làm mát bị mất điện sau thảm họa kép.
T.H