Mỹ rút dần gói kích thích kinh tế

Từ 85 tỷ USD/tháng, chương trình kích thích kinh tế lần thứ ba của Mỹ (QE3) nay đã bị giảm xuống còn 75 tỷ USD/tháng sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Quyết định này cho thấy FED phần nào đã tự tin vào con đường mà kinh tế Mỹ đang đi.


Bước ngoặt chính sách


Theo tuyên bố thông báo lúc sáng sớm ngày 19/12 (giờ Việt Nam) của Ủy ban thị trường mở liên bang của FED, quyết định cắt giảm này bắt đầu được thực hiện từ tháng 1/2014 trong bối cảnh thất nghiệp ở Mỹ đã giảm và nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Sàn giao dịch chứng khoán Mỹ ngày 18/12.


Trong 10 tỷ USD/tháng bị cắt giảm, FED giảm 5 tỷ USD tiền mua trái phiếu kho bạc và 5 tỷ USD tiền mua chứng chỉ có bảo lãnh. Nhằm trấn an thị trường, FED cam kết sẽ giữ mức lãi suất gần bằng 0 cho đến khi nào tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 6,5%, so với mức 7% hiện nay. Trong các cuộc họp tiếp theo, FED sẽ tiếp tục cân nhắc cắt giảm QE3 phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế.


Phát biểu trong một cuộc họp báo, Chủ tịch FED Ben Bernanke nhấn mạnh rằng giảm QE3 không có nghĩa giảm hỗ trợ cho nền kinh tế và quyết định này được người kế nhiệm ông là Phó Chủ tịch FED Janet Yellen ủng hộ hoàn toàn.


Trong dự báo kinh tế cập nhật, FED cho rằng mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2014 của Mỹ sẽ ở mức 2,8% - 3,2%; thất nghiệp sẽ giảm còn trong ngưỡng 6,3 - 6,6% cuối năm 2014.


Các chuyên gia nhận định việc giảm QE3 là một bước ngoặt của chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay, song độ “thắt” chỉ ở mức vừa phải để tiếp tục hỗ trợ kinh tế Mỹ trở lại giai đoạn tăng trưởng bình thường. Cơ sở để FED giảm QE3 là một loạt dữ liệu khả quan: Số người tìm được việc làm tăng bốn tháng liền, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 5 năm, sản lượng công nghiệp tăng, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, chỉ số chứng khoán ở gần mức cao nhất mọi thời đại.


Chương trình QE3 được FED thực hiện suốt 15 tháng qua với mục đích giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp để kích thích tăng trưởng và tạo công ăn việc làm.


TTCK phấn chấn


Ngay sau khi có thông báo từ cuộc họp của FED, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đồng loạt tăng điểm mạnh. Chốt phiên 18/12, chỉ số Dow Jones tăng 1,845 điểm, S&P 500 tăng 1,66%, trong khi Nasdaq tăng 1,15%. Với mức tăng này, hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều lập kỷ lục mới.
Tuy nhiên, dường như TTCK khoán Mỹ tăng điểm là nhờ thông tin FED cam kết giữ lãi suất ở mức thấp, chứ không phải nhờ QE3 bị cắt giảm, do 10 tỷ USD được coi là mức giảm khiêm tốn.


Trên thị trường châu Á, các chỉ số chứng khoán đóng cửa phiên 19/12 tăng giảm không đồng nhất: Chứng khoán Nhật Bản tăng 1,74%, Hàn Quốc hầu như không biến động trong khi chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải của Trung Quốc lại giảm điểm.


Tại châu Âu, các chỉ số chứng khoán lúc mở cửa phiên đều tăng điểm nhẹ: FTSE 100 của Anh tăng 0,93%, DAX của Đức tăng 1,07%, CAC của Paris tăng 0,9%.


Trên thị trường tiền tệ, đồng USD ở New York tăng giá ở mức cao nhất gần 5 năm qua ngay sau khi FED thông báo quyết định. Tại sàn COMEX, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống giao dịch ở mức 1.219,21 USD/ounce, trong khi giá vàng giao tháng 2/2014 chốt phiên tăng 4,9 USD lên 1.235 USD/ounce.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN